Thực hư ngân sách nhà nước hết tiền

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 17/9, trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định nguồn ngân sách dự phòng đã hết, chứ không liên quan ngân sách nhà nước như một số trích dẫn. 

Trước đó, một số thông tin dẫn lại phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/9 của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, ngân sách trung ương hầu như không còn...

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo của Bộ Tài chính cho hay, hết tiền ở đây là hết các khoản chi cho nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, không phải hết ngân sách nhà nước nói chung. Còn thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm vẫn bội thu (thu lớn hơn chi), nhưng việc chi đã có đầu mục rõ ràng do Quốc hội quyết định phân bổ từ cuối năm trước. Đó là thu và chi trong điều kiện bình thường, nay phát sinh thêm nhiệm vụ chi phòng chống dịch, mua vắc-xin phòng COVID-19, nên cần điều chỉnh nguồn.

“Chi phòng chống dịch bệnh là khoản chi ngoài dự toán, mới phát sinh, giờ cần có nguồn để chi. Các khoản chi cho phòng chống dịch ban hành trước tới nay đã chi hết, giờ muốn chi thêm phải làm các giải pháp, thủ tục để huy động từ nguồn khác, chuyển nguồn để bù đắp vào”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói. Trong khi, các giải pháp đặt ra hiện nay đều làm tăng chi và giảm thu để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, phòng chống dịch bệnh. Trong đó có gói giảm thuế trị giá hơn 21.000 tỷ đồng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Do đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là giảm chi, đảm bảo thu để bù đắp phần hụt thu từ chính sách giảm thuế, phí, từ đó có nguồn để chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Giờ phải bàn để cơ cấu lại ngân sách, cắt cái nào, giảm ra sao. Còn nguồn lực cho công tác phòng chống dịch kiểu gì cũng phải đảm bảo, nên phải cân đối lại nguồn ngân sách trung ương và địa phương, từ đó có nguồn chi cho phòng chống dịch. Phòng chống dịch tốt thì kinh tế phục hồi nhanh sẽ có nguồn thu, còn phòng chống dịch kéo dài sẽ vừa phải tăng chi vừa giảm nguồn thu”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói thêm.

Còn theo Bộ trưởng Phớc, hiện phần tiết kiệm chi và một số khoản khác còn lại khoảng 14,6 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến mới có thể chi tiếp cho nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 78,6 nghìn tỷ đồng (giảm 48 nghìn tỷ đồng so với tháng 7); tổng chi ngân sách nhà nước tháng 8 ước trên 115,5 nghìn tỷ đồng (tăng chi 3,6 nghìn tỷ đồng so với tháng 7).

Lũy kế thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi ngân sách 8 tháng vừa qua trên 918 nghìn tỷ đồng (mới bằng 54% dự toán). Tức ngân sách vẫn bội thu trên 82 nghìn tỷ đồng.

MỚI - NÓNG