Ngày 16/12/1966, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua hai công ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Sự ra đời của hai công ước này đã kết thúc một tiến trình soạn thảo kéo dài gần 20 năm, thể hiện sự đoàn kết và thống nhất của các hệ tư tưởng khác nhau trên thế giới.
Hai công ước cùng với Tuyên ngôn Nhân quyền toàn thế giới đã trở thành bộ luật quốc tế về quyền con người, tạo nên nền tảng pháp lý căn bản về quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.
Là thành viên của hai công ước này từ năm 1982, Việt Nam luôn cố gắng hoàn thành các nghĩa vụ quốc gia thành viên của hai công ước nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn của một quốc gia đang phát triển, nhưng Việt Nam đã luôn nỗ lực trong các hoạt động nhân quyền và đang dần trở thành một thành viên tích cực, có vai trò quan trọng trong các hoạt động về nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Ngày 12/11/2013, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 bầu Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, với 184 phiếu thuận trên 192 phiếu bầu. Đây chính là sự khẳng định thành tựu và uy tín của Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người.
Các quyền dân sự, chính trị: Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân được thể hiện rõ thông qua hoạt động của 812 cơ quan báo chí với 1.084 ấn phẩm. Hiện nay, Việt Nam có 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình và 78 kênh phát thanh, 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội và 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Người dân Việt Nam được tiếp cận với 75 kênh truyền hình nước ngoài được phát rộng rãi trên thế giới. Tất cả các hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới đều đến với người dân Việt Nam thông qua mạng internet như Reuters, BBC, AP, AFP, CNN... Có 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo và tạp chí nước ngoài in bằng nhiều thứ tiếng được phát hành rộng rãi tại Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, với sự hiện diện của các tôn giáo được truyền vào từ bên ngoài như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… và các tôn giáo được hình thành trong nước như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác. Tính trên cả nước có khoảng 25 ngàn cơ sở thờ tự và 45 trường đào tạo chức sắc tôn giáo. Các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam diễn ra sôi động. Hằng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức.
Các quyền dân sự như quyền của người thi hành án phạt tù, người bị tạm giam, tạm giữ để điều tra, quyền tiếp cận tư pháp… đều đã được cải thiện đáng kể. Những thay đổi về mặt lập pháp đã kéo theo những thay đổi tiến bộ về mặt thể chế và thực thi. Các nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch được đảm bảo áp dụng nhằm bảo vệ quyền con người và bảo đảm các nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Các quyền dân sự, chính trị khác như quyền tự do hội họp, lập hội, việc giảm án tử hình cũng đang được từng bước thực hiện.
Quyền kinh tế, xã hội, văn hóa: Với chủ trương đổi mới đúng đắn, nhất là trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong cải thiện điều kiện, mức sống của người dân. Bằng mọi nỗ lực cùng với sự giúp đỡ của Liên Hợp Quốc, các quốc gia và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã có bước tiến nhanh chóng trong xóa đói, giảm nghèo, trở thành nước điển hình thành công, được thế giới thừa nhận. Năm 2010, Báo cáo chỉ số phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc ghi nhận Việt Nam là một trong mười nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua. Việt Nam đã đạt trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), được quốc tế đánh giá là một trong những điển hình về thực hiện MDGs, nhất là xóa đói, giảm nghèo.
Quyền các đối tượng dễ bị tổn thương: Quyền của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thiểu số, nhóm LGBT, nhóm những người nhiễm HIV/AIDS… luôn được đảm bảo, tránh các trường hợp phân biệt đối xử. Hằng năm, Nhà nước đều dành ra một khoản ngân sách khá lớn để đảm bảo quyền cho các nhóm này.
Các chương trình, chính sách hỗ trợ cho công tác bình đẳng giới, công tác giáo dục, hỗ trợ về y tế, an sinh xã hội cho các đối tượng dễ bị tổn thương luôn là hoạt động được chú trọng.
Tranh đua. Ảnh: Trần Bảo Hòa.
Tính đến nay, chính sách trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và bảo hiểm xã hội đã được thực hiện có hiệu quả. Số lượng phụ nữ tham gia vào các vị trí công tác ở các cơ quan đoàn thể và các cơ quan nhà nước vẫn tăng hằng năm.
Các chương trình, chính sách có tính chiến lược như tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, phòng chống lao, phòng chống HIV/AIDS... đã mang lại hiệu quả tích cực.
Đồng thời, Chính phủ cũng triển khai một loạt chính sách trợ giúp người khuyết tật như đề án trợ giúp phục hồi chức năng cho người tâm thần; hỗ trợ thành lập các tổ chức tự lực của người khuyết tật; trợ giúp đào tạo nghề và tạo việc làm; cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng các công trình văn hoá, công cộng và các dịch vụ xã hội cơ bản khác của người khuyết tật…
Các công ước cốt lõi khác về quyền con người
Ngoài hai công ước lớn là Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và Công ước về quyền dân sự, chính trị, Việt Nam cũng đã tham gia vào các công ước cốt lõi khác về quyền con người. Đó là: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (thông qua năm 1966 có hiệu lực năm 1969); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt với phụ nữ (thông qua năm 1979, có hiệu lực năm 1981); Công ước về quyền trẻ em (thông qua năm 1989, có hiệu lực năm 1989). Gần đây nhất, ngày 28/11/2014, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn việc tham gia vào hai công ước cốt lõi nữa về quyền con người là Công ước về chống tra tấn (thông qua năm 1984, có hiệu lực năm 1984); Công ước về quyền của người khuyết tật (thông qua năm 2006, có hiệu lực năm 2008). Hiện nay, còn một công ước cốt lõi nữa mà Việt Nam chưa tham gia là Công ước về bảo vệ quyền của lao động di cư và gia đình họ (thông qua năm 1990, có hiệu lực năm 2003). Việt Nam đang xem xét để gia nhập công ước này trong thời gian tới.