Lê Ngọc Thuận nấu ăn bên bờ suối phục vụ tour khám phá thiên nhiên Quảng Nam.
Thuận kể, anh có được thành công tới lúc này là được truyền cảm hứng bởi ba người: Glenn Mevaeigh (Úc) dẫn đường chỉ lối về mô hình homestay, thiết kế, sử dụng vật liệu cũ; Chị Trần Thị Tân, người bạn quê Bắc Ninh dám bỏ vốn cùng chung xây dựng Anbang Seaside village Homestay (Làng du lịch ven biển An Bàng) từ năm 2012, lúc làng chài còn xơ xác, đầy rác; Pete Anthony Wilkes (Úc) hướng dẫn tư vấn cách làm Beach Bar bên bờ biển, từ décor nội thất, menu đến vận hành nhân sự quản lý.
Nhờ ba quí nhân này mà Thuận trở thành “người hùng”, “con cưng” của An Bàng trong gần 10 năm gây dựng mô hình, thiết kế homestay, giúp người dân làng chài đón khách lưu trú giá cao tại chính mảnh đất của họ.
Từ buôn hải sản đến giải thưởng kiến trúc
Thuận sinh ra và lớn lên ở An Bàng, trong một xóm nhỏ nằm bên bờ sông Cổ Cò. Khoảng 9-10 tuổi cả gia đình chuyển vào trung tâm Hội An sinh sống. Thời đó Hội An là một thị xã nhỏ, cơ sở hạ tầng lạc hậu nên có sự cách trở với làng chài An Bàng mặc dù khoảng cách địa lý ngắn. Chật vật học xong lớp 12, Thuận theo nghề buôn hải sản với ý nghĩ làm việc để thoát kiếp nghèo của dòng tộc. Cùng lúc anh làm thêm đủ các việc như rửa bát, phụ bếp để có thêm thu nhập. Thường xuyên chở hàng lên Đà Nẵng cho một nhà hàng hải sản tươi sống, thấy họ đông khách, Thuận nảy ý định về mở một quán tương tự ở Hội An.
Tiền vốn không có, Thuận mượn ông nội sổ đỏ đi cầm cố vay được hơn 20 triệu. Các bà các chị ở chợ gom nhau cho Thuận vay thêm. Từ năm 2006 đến 2010, Nhà hàng hải sản White sail (Cánh buồm trắng) của Thuận trở thành điểm đến nổi tiếng trên nhiều trang web du lịch Hội An. Sau này Thuận bàn giao nhà hàng cho em trai để khai phá lĩnh vực khác.
Năm 2011, trong lần Thuận dẫn người bạn Úc Glenn Mevaeigh đến An Bàng chơi, anh bạn nảy ý tưởng cùng Thuận thuê một miếng đất 200 mét vuông làm nhà nghỉ lưu trú. Do chưa có kinh nghiệm, căn nhà đầu tiên làm bằng tre nứa bị mối mọt ngay sau thời gian ngắn sử dụng. Lúc đó vừa do bận việc công ty, vừa nản Glenn bỏ cuộc, hai người mất không 300 triệu đầu tư.
Thuận tiếp tục tìm nhiều nhà dân hỏi thuê đất khởi nghiệp homestay với bí quyết Glenn đã truyền cho để có được căn nhà thân thiện giữ chân người lưu trú. Trổ nhiều cửa sổ, đặt bếp nấu chính giữa phòng khách, sử dụng đồ cũ sơn sửa lại. Vì mang ơn những bài học của Glenn, khi Thuận làm ăn phát đạt, mỗi tháng anh đều đặn gửi vào tài khoản của Glenn ở Úc 10 triệu VND. Du khách thích căn nhà sáng sủa, nội thất tối giản và còn dấu tích mộc mạc của chủ nhà cũ như khung cửa, giếng nước, cây khế... Mô hình nhà nghỉ với sàn nhà và tường, chậu rửa toilet láng xi măng thời đầu vì lý do tiết kiệm sau đó được dân làng copy nhiệt tình.
“Hội An không thể ngồi đợi khách Tây. Hai năm nữa họ mới dần quay lại, mà chắc gì đã quay lại như xưa. Vậy nên đây là thời điểm tốt nhất để trau chuốt dịch vụ cho người Việt”, Lê Ngọc Thuận
Ban đầu Thuận thuê đất, thiết kế nhà, kinh doanh và sau đó chuyển nhượng lại thành phẩm cho chính chủ nhà với giá ưu đãi. Thuận để tâm ưu tiên giúp những gia cảnh khó khăn. Có gia đình chồng mất khi đi biển để lại vợ góa hai con. Thuận thuê đất của họ, tìm cho ba mẹ con ở tạm miếng đất nhỏ hơn. Anh bố trí cho người mẹ làm dọn buồng phòng, hai người con đi học quản lý và tiếng Anh làm lễ tân. Sau một thời gian anh bàn giao lại homestay cho ba mẹ con.
Tương tự với gia đình chị Văn Thị Mai. Thuận thuê đất của họ gây dựng thành công Anbang Seaside village Homestay. Cả gia đình 5 người làm thuê cho homestay vài năm với mức lương tháng cao gấp nhiều lần mỗi tháng đi biển của người chồng. Sau này họ đủ lực mua lại homestay nổi tiếng này và tự vận hành đến tận bây giờ. Lúc cao điểm, Thuận từng chạy 7 homestay và thiết kế 20 căn. Trong 5 năm, 70% người dân làng chài An Bàng đã chuyển đổi sang nghề homestay.
Hầu hết các nhà khởi nghiệp bằng cách bắt chước cách thiết kế, thậm chí màu sơn của Thuận. Ai hỏi cách, Thuận sẵn sàng chỉ dẫn, giúp họ vào hệ thống chia sẻ nhà quốc tế. Làng chài xiêu vẹo ngày nào bỗng trở thành điểm lưu trú hút khách Tây. Với du khách An Bàng là một bí mật duyên dáng của Hội An.
Năm 2016, Thuận chuyển sang đầu tư homestay villa cho dòng khách cao cấp hơn. The Chi Villa với thiết kế mở, sang chảnh nhưng vẫn thân thiện môi trường của Thuận đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải nhất cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước” (2017) ở hạng mục không chuyên.Theo Trưởng ban giám khảo, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì Thuận đã làm nhiều người bất ngờ khi bài thi của anh chỉ có ảnh chụp chứ không có bản vẽ kỹ thuật. Nhưng đây là một bất ngờ thú vị bởi “Thuận khơi nguồn cho một nền kiến trúc dân gian đã bị lãng quên. “Có lẽ đây là lần đầu tiên Hội trao giải cho một người không học đại học, giải thưởng hẳn là 40 triệu đấy”, Thuận vui vẻ nhớ lại.
COVID-19, thời điểm để thanh lọc
Ngay giữa lúc đỉnh dịch COVID-19, nhà hàng, cơ sở lưu trú đóng cửa, trả mặt bằng, Lê Ngọc Thuận vẫn say sưa đầu tư cho nhà hàng mới bên bờ sông Cổ Cò. “Hội An không thể ngồi đợi khách Tây. Hai năm nữa họ mới dần quay lại, mà chắc gì đã quay lại như xưa. Vậy nên đây là thời điểm tốt nhất để trau chuốt dịch vụ cho người Việt”.
Trước đó 1 năm, lãnh đạo và các chuyên gia ngành du lịch đã nhiều lần báo động nạn khủng hoảng thừa homestay ở Hội An. Tại một hội thảo, Lê Ngọc Thuận ở vị trị Chủ tịch hiệp hội Homestay Hội An bày tỏ: Nhà nhà làm homestay, đua nhau hạ giá đến mức “tuyệt thực”. Nhìn trước được tình thế này, Thuận đã đầu tư vào chuỗi bar- club ven biển, một ngành mới toanh ở Việt Nam.
Từ năm 2015, quán bar The DeckHouse An Bang Beach, đã kéo rất nhiều khách tây từ Hội An về An Bàng. Tông màu xanh trắng, những chiếc ghế rộng cài đệm êm ái, thực đơn đúng điệu, bartender chuyên nghiệp… tạo dựng tên tuổi Deckhouse. Từng chi tiết làm nên thần thái của quán là nhờ “phù thủy” Pete Anthony Wilkes được Thuận mời từ Hà Nội vào thiết kế. Sau này đi tham quan các bar-club ở biển Bali, Phuket Thuận đúc kết thêm kinh nghiệm mở tiếp Shore Club cũng rất thành công. Rồi Thuận cũng được tín nhiệm như một phù thủy tư vấn cho nhiều quán bar bãi biển tại các thành phố khác.
Covid là lúc để mọi người sống chậm lại và thanh lọc. Hình thái du lịch xô bồ, kém chất lượng sẽ dần bị đào thải. Giảm giá tới sát đáy để kích cầu du lịch không phải hướng đi đúng, thậm chí còn đầy doanh nghiệp chết nhanh hơn, Thuận bày tỏ . Người tiêu dùng chọn lựa kỹ hơn, có nhu cầu thân thiện với môi trường hơn thì người làm du lịch buộc phải thay đổi theo bắt đầu từ thẩm mỹ sống xanh.
An Bàng từng được Tổng cục Du lịch trao giải thưởng “Khách sạn xanh ASEAN” giai đoạn 2016 - 2018, danh hiệu này chủ yếu dựa trên đánh giá của khách du lịch quốc tế. Thuận mong muốn và đủ nhiệt tình để trong những năm tới cùng làng chài “cổ tích” (như cách gọi của một số fan hâm mộ) nhận đánh giá tương tự từ khách Việt.
“Người ơn” từng mắc sai lầm
Trong 5 năm đầu tiên khởi nghiệp homestay, để làng chài có bãi cát sạch hút tầm mắt Thuận đã bỏ tiền túi trả lương 3,5 triệu/tháng cho 4 công nhân vệ sinh dọn rác mỗi ngày. Làng chài lột xác với gần trăm căn nhà homestay và quán ăn mà vẫn giữ được không gian êm đềm. “Đấy là nhờ có Thuận. Thuận là người ơn của An Bàng”, một người dân đã thốt lên khi có người hỏi về người con của làng.
Thế nhưng sự xuất hiện của Moyo Beach Club, quán bar gần đây nhất mà Thuận liên kết xây dựng lại khiến cư dân phàn nàn về tiếng ồn. Sau vài tháng khai trương rầm rộ, quán đã đóng cửa trước Tết 2020. Thuận kể, nhiều đêm không ngủ chỉ để nghĩ xem vì sao nó ồn và tìm được hai lý do. Thứ nhất, người đồng sở hữu đã vung tay mua giàn loa công suất lớn hơn diện tích cho phép, thứ hai thiết kế gian chính bị sai. “Tôi chợt nhận ra các quán bar khác của tôi cũng nằm cùng hướng nhưng do được xây thành hình chữ U nên âm thanh phóng ra biển hết. Bar Moyo không có bức tường cản, gây ô nhiễm âm thanh, thất bại là đúng thôi”.