Thú vị bản Kiều… Tàu

TP - Bản Kiều Tàu không phải là bản Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân đời Minh (Trung Quốc) mà Nguyễn Du lấy cớ để viết nên Truyện Kiều bằng chữ Nôm bất hủ. Mà là bản lục bát bằng tiếng Hán với câu mở đầu: Trăm năm trăm cõi người ta / Bách niên thân thế sự tình…

Sự kiện kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du đã lắng. Nhắc đến Nguyễn Du là người ta nhắc đến Kiều. Trong nền văn học Việt Nam, hình như chưa có tác phẩm văn chương nào làm cho giới văn nhân và trí thức đã, đang, rồi sẽ quan tâm, tranh luận nhiều nhất bằng Truyện Kiều.

Đến thời điểm này, Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du (Hà Tĩnh) đã tiếp nhận, sưu tầm, lưu giữ, giới thiệu với du khách các bản Truyện Kiều được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Hungary, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha… và được dịch cả sang tiếng dân tộc Tày. Hơn 60 bản dịch (riêng tiếng Pháp có trên 10 bản) của hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới. Nhưng tôi để ý không có cuộc hội thảo về một công trình nghiên cứu hay bài báo nào nhắc đến việc Truyện Kiều từng được dịch sang tiếng Hán theo thể thơ lục bát. Mà độc đáo làm sao, tác giả ấy đã chuyển ngữ sang âm Hán theo thể loại thơ độc đáo của người Việt - trên sáu dưới tám.

Thú vị bản Kiều… Tàu ảnh 1

Trang đầu bản Kiều của Lê Dụ

Bốn câu mở đầu Truyện Kiều: Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (Trên là bản chữ Nôm của Nguyễn Du. Dưới  là bản diễn tự ra chữ Hán của Lê Dụ) (thủ bút của Xuân Ba).

Vòng vo một tẹo để ngược về cái ngày hơn 40 năm trước, đám sinh viên mới nhập học khoa Văn Đại học Tổng hợp sơ tán về thôn Sát Thượng, Yên Phong (Hà Bắc). Gọi là khoa nhưng khi ấy tạm kêu là 3 lớp Văn, Ngôn ngữ và Hán Nôm. Bị phân học Hán Nôm, đứa nào cũng khiếp bởi lạ và mới, biết thế nào mà lần. Lớp Hán Nôm khi ấy chỉ có 13 cô cậu mà chúng tôi gọi vui là các ông đồ bà đồ.

Năm tháng mây bay nước chảy… Bây giờ, lớp Hán Nôm ngày ấy người mất, người còn và hầu hết đã thành danh, hàm GS, PGS, học vị TS. Như nhà nghiên cứu độc lập Cao Tự Thanh uyên bác, danh nổi như cồn. Như Viện trưởng Viện Hán Nôm Nguyễn Công Việt. Như Trần Kim Anh, Lê Thị Nga, Hoàng Thị Ngọ…

Năm đã xa, một lần, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân bày tỏ sự khâm phục công phu và tài khéo của giới nghiên cứu Hán Nôm. Vô tình ông nhắc đến PGS.TS Hoàng Thị Ngọ. Đó là câu chuyện về nhà nghiên cứu người Pháp, GS Demieville (1894-1979). Hồi những năm 1922-1924, ông là nghiên cứu viên của BEFEO (Thư viện Trường Viễn đông Bác cổ) tại Hà Nội, mua được cuốn sách chữ Nôm Phật thuyết đại báo phụ mẫu trọng kinh và mang về Pháp. Khi ông mất, tủ sách của ông được tặng cho Hội Á châu học; văn bản chính cuốn sách vẫn lưu tại đó. Năm 1979, nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp (mất năm 1996) sao chụp đem về nước tặng Viện Hán Nôm (Việt Nam) bản chụp sách này. Và rồi tác phẩm này được nhà nghiên cứu Hoàng Thị Ngọ (Viện Hán Nôm) khảo cứu về mặt văn tự (chữ Nôm và tiếng Việt) trong một chuyên khảo riêng khá công phu.

…Lần ấy gặp chung bạn bè lớp Văn Ngữ Hán, tôi có hỏi PGS.TS Hoàng Thị Ngọ về cuốn sách này. Hỏi cũng để biết mà cảm phục sức làm việc của các bạn nữ, gia đình chồng con lấn bấn là thế, nhưng sức làm việc hơi bị ghê. Ngoài cuốn ấy, Ngọ cho biết đang nghiên cứu một cuốn khá độc đáo. Đó là công trình Truyện Kiều dịch sang tiếng Hán theo thể lục bát. Nghe khá thú vị! Cứ coi như Nguyễn Du đã dịch thoát (chữ tạm dùng của việc sáng tác khổ công và tài hoa) bộ tiểu thuyết Tàu Kim Vân Kiều truyện từ chữ Hán sang chữ Nôm. Rồi lại có người dịch từ Nôm sang Hán. Mà quái lạ sang lục bát Hán theo thể sáu tám. Cứ như một trường hợp hy hữu trong lịch sử kim cổ văn chương? Mãi gần đây, PGS.TS Hoàng Thị Ngọ bước đầu công bố công trình của mình trên tạp chí Hán Nôm với tên gọi khác. Hỏi chuyện thêm Ngọ, chuyện thì dài, chỉ xin tóm lược quy trình thú vị ấy thế này.

Hồi trước đọc sách cũng có nghe mang máng có người đã dịch Truyện Kiều ra bản tiếng Hán. Cụ Trúc Khê Ngô Văn Triện kể trong cuốn Tạp chí Tri Tân (tháng 6/1941) là vào thời Tự Đức, một nhà Nho không rõ họ tên, quê quán đã dịch thoát quyển Kiều chữ Nôm của Nguyễn Du ra Hán văn, và sách được nhà Chiêu Văn Đường khắc in trong niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (1888). Cụ Trúc Khê (1901-1947) cho biết cụ thể là người ấy “không dịch theo tỉ mỉ từng câu trong Truyện Kiều, mà chỉ dịch ước lược lấy ý bằng một ngòi bút có văn vẻ; rất có nhiều chỗ khả thủ...”.

Tiền nhân nước Nam, không rõ trước và sau vị khuyết danh đó những ai đã dịch Truyện Kiều sang chữ Hán thì không biết, nhưng qua TS Hoàng Thị Ngọ thì đã có 2 người có tên hẳn hoi. Người thứ nhất (tạm gọi là bản thứ nhất) là cụ Lê Dụ. Thật bất ngờ, những dòng ghi thêm (tạm gọi là lạc khoản?) người ta chỉ có thể biết dịch giả của bản dịch là Lê Dụ. Bản dịch được hoàn thành và viết bài tựa vào năm 1946 ở lầu Cửa Bắc Hà Nội. Còn không có một thông tin gì thêm về bản thân tác giả cũng như quê quán. Tác giả của tác phẩm thứ hai, thông tin để lại  cũng rất vắn tắt. Cứ như trong văn bản thì tác giả dịch Truyện Kiều ra chữ Hán là Nguyễn Kiên. Bản dịch thứ hai này là một bản được sao chép lại từ bản đã có trước. Tên người chép là Lê Hữu Cửu. Chép vào ngày Tây lịch ngày 6/8/1915.

Chưa có cái ta cần thì phải bằng lòng với cái ta đang có vậy. Mặc dù thân thế tác giả rất mù mờ, nhưng đương hiện diện đây hai bản dịch lục bát Truyện Kiều Nôm sang Hán. Trong công bố khoa học của mình, TS Ngọ đã công phu lý giải thứ văn bản học khá khoa học bằng những phân tích qua các đề mục để cung cấp cho người thưởng lãm bằng dây, mối như Vài nét về thể thơ lục bát. Tình hình sáng tác diễn dịch ra lục bát Hán. Các bản diễn, dịch Truyện Kiều từ lục bát Nôm ra lục bát Hán… Qua đó, người đọc biết thêm rằng, tại sao ở Việt Nam, việc sáng tác diễn dịch ra lục bát Hán không phải đến đầu thế kỷ XX mới bột phát ra hai vị Lê Dụ và Nguyễn Kiên qua việc diễn dịch Truyện Kiều mà có từ trước nhiều công trình, hữu danh lẫn khuyết danh. 

Trong lịch sử Việt, nhà nước phong kiến đã sử dụng chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt làm văn tự chính thống trong suốt trên dưới mười thế kỷ. Mặc dù chữ Hán là văn tự ngoại lai nhưng đã được người Việt sử dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong việc tạo ra các văn bản và sáng tác văn học. TS Ngọ cũng giải mã bí quyết của ưu thế để chuyển Truyện Kiều sang lục bát thế này. Tiếng Việt và tiếng Hán thuộc loại hình ngôn ngữ đơn âm tiết. Đó là điều kiện đầu tiên để dễ dàng việc chuyển ngữ. Tiếng Việt là ngôn ngữ thanh điệu có 6 thanh. Do vậy, âm điệu, vần điệu của một câu thơ, bài thơ phụ thuộc vào thanh điệu và cách hợp vần. Tiếng Hán có 4 thanh điệu có thể nói cũng gần gũi với tiếng Việt. Nhưng văn tự Hán ở Việt Nam đã được đọc theo âm Hán-Việt là cách đọc riêng của người Việt cũng có đủ 6 thanh điệu như tiếng Việt. Đó là điều kiện quan trọng và một lợi thế để dịch Truyện Kiều ra lục bát Hán.

Vậy nên, chẳng hạn mấy câu đầu của Truyền Kiều được dịch thế này kể ra cũng uẩn súc! Có lẽ những người không cần phải rành thông chữ Hán lắm cũng có thể bằng lòng với cách chuyển ngữ này. Trăm năm trong cõi người ta/ Bách niên thân thế sự tình/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Sắc tài nhị tự lưỡng sinh sai hiềm/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Nhất kinh tang hải thương điền/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng/ Sự ư nhãn kiến thái phiền tâm thương/ Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Tư phong bỉ sắc lý thương/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen/ Hồng nhan bán thị thương thương sơ cừu (bản của Lê Dụ).

Tương ứng, mời bạn đọc thưởng lãm bản của Nguyễn Kiên:           

Trăm năm trăm cõi người ta/ Nhân sinh bách thế vi kỳ/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Nhất tài nhất mệnh tương vi hý trù/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Tang điền thương hải quan vu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng/ Nhỡn tiền đề cục nhân thù thương tâm/ Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Thừa trừ tạo vật cơ thâm/  Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen/ Hồng nhan đa đố cố câm hữu thường (bản của Nguyễn Kiên).

Đây là mấy câu cuối Truyện Kiều bản của Nguyễn Kiên:

Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài/ Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh/  Thiện căn bản tự tâm sinh/ Dĩ tâm vi trọng đương khinh ư tài/ Ngôn chi đụng dĩ âm tài/ Diệc năng tiêu khiển thu hoài thâm canh

Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Chả phải đợi đến ba trăm năm mà đã biết bao người - chứ không phải kẻ nao và ai đó - cảm Tố Như theo nhiều cách. Thiên hạ vẫn tiếp tục ăn theo Tố Như những là tập Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, viết tiếp Truyện Kiều, Truyện Kiều đọc ngược, giai thoại Truyện Kiều và dịch Kiều. Hai bản diễn ca diễn tự bằng lục bát Hán của Lê Dụ và Nguyễn Kiên mà PGS.TS Hoàng Thị Ngọ phát lộ vừa rồi cũng là cái cách yêu và cảm Tố Như hơi bị thú vị?

MỚI - NÓNG