Thủ tướng yêu cầu Long An tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng đề nghị Long An tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, chú trọng khai thác tốt thị trường nội địa trên địa bàn và thị trường quốc tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. 

Chiều ngày 25/7, tại thành phố Tân An, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 2021 - 2023 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025; đồng thời xem xét, giải quyết một số kiến nghị để tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

Thủ tướng yêu cầu Long An tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An chiều 25/7.(Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng yêu cầu Long An tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An đạt mức khá cao, GRDP năm 2022 tăng 8,46% (xếp thứ 6/13 trong vùng ĐBSCL, 39/63 cả nước), trong 6 tháng năm 2023 ước tăng 3,43%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Quy mô kinh tế năm 2022 xếp thứ 1/13 địa phương trong Vùng và 12/63 cả nước; GRDP bình quân đạt 90,2 triệu đồng/người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đạt được. Trong đó, tỉnh đang nỗ lực làm tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng chiến lược với nhiều dự án kết nối với vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL, trong đó có tuyến đường vành đai 3 TPHCM kết nối cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Long An có cơ hội phát triển mới khi có thể bổ sung và hỗ trợ cho TPHCM, Đông Nam bộ đang chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu đặt ra. Tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn trong thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Việc giải quyết vấn đề nhà ở công nhân, người thu nhập thấp... cần cố gắng hơn. Việc triển khai một số công trình, dự án còn chậm tiến độ; chưa khai thác hết lợi thế về vận tải, logistics…

Về định hướng phát triển của Long An, Thủ tướng xác định các trụ cột: Nông nghiệp sinh thái là trọng tâm; Công nghiệp xanh, công nghệ cao, chế biến chế tạo, năng lượng là đột phá; Dịch vụ - logistics hiện đại là bệ đỡ, đưa Long An trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực; đẩy mạnh thương mại điện tử; Thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao; Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, đô thị đồng bộ, hiện đại.

Thủ tướng yêu cầu Long An tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng ảnh 3

Thủ tướng nhấn mạnh, Long An có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đất địa linh, nhân kiệt - (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng đề nghị tỉnh chú trọng một số trọng tâm.

Thứ nhất, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); trong đó chú trọng khai thác tốt thị trường nội địa trên địa bàn và thị trường quốc tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Thứ ba, triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Tổ chức không gian phát triển theo mô hình "Một trung tâm - Hai hành lang kinh tế - Ba vùng kinh tế xã hội - Sáu trục động lực". Chủ động, tích cực tham gia hoạt động liên kết vùng ĐBSCL, với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ.

Thứ tư, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hình thức PPP; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả. Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiệu quả.

Thứ năm, quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống. Coi trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án riêng để làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển, đón đầu các xu thế chuyển đổi của nền kinh tế, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất kiến nghị của tỉnh Long An về việc thành lập Khu kinh tế Long An; bố trí vốn thực hiện các dự án giao thông kết nối giữa vùng ĐBSCL và TPHCM, vùng Đông Nam Bộ, đi các tỉnh Tây Nguyên; hỗ trợ vốn đầu tư các dự án phòng chống sạt lở trên địa bàn tỉnh...

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan và tỉnh Long An hoàn thành các thủ tục sớm nhất có thể trong việc hình thành Khu kinh tế Long An.

Về tiếp tục thực hiện các dự án giao thông kết nối giữa vùng ĐBSCL và TPHCM, vùng Đông Nam Bộ, đi các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng đề nghị tỉnh Long An, Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất dự án, phương án thu xếp nguồn vốn, trên tinh thần là Trung ương và địa phương cùng làm, tỉnh Long An nỗ lực tăng thu, tiết kiệm chi để có nguồn lực triển khai, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

MỚI - NÓNG