Động lực phát triển
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.
Quy mô lập quy hoạch khoảng 3.359,84 km2. Thời hạn quy hoạch trong giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2045; tầm nhìn đến năm 2065.
Quy hoạch đặt ra tầm nhìn đến năm 2065, Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước...
Ảnh minh họa |
Quy hoạch dự báo phát triển về dân số đến năm 2030 dự kiến là 12 triệu người (trong đó thường trú khoảng 10,5 triệu người); tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% - 70%. Đến năm 2045 là 14,6 triệu người (trong đó thường trú khoảng 13 triệu người); tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%.
Quy hoạch xác định cấu trúc phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm: Vùng đô thị phía Nam sông Hồng, gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam - Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín.
Vùng đô thị phía Đông gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Vùng đô thị phía Bắc gồm huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (dự kiến hình thành thành phố phía Bắc).
Vùng đô thị phía Tây gồm thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, trong đó có dự kiến hình thành thành phố phía Tây trong tương lai, nâng loại đô thị thành phố Sơn Tây.
Vùng đô thị phía Nam gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có tính đến nghiên cứu thành phố phía Nam trong tương lai.
Hệ thống đô thị vệ tinh và sinh thái được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.
Phát triển mô hình kinh tế ban đêm gắn với du lịch
Về định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển 23 khu công nghiệp (gồm 8 khu công nghiệp đang hoạt động, 2 khu công nghiệp đang trong triển khai, 13 khu công nghiệp quy hoạch mới), tổng diện tích khoảng 5.800 ha, dự trữ quỹ đất khoảng 800 ha tại khu vực huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Sóc Sơn phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp.
Về dịch vụ thương mại, đối với khu vực đô thị trung tâm Hà Nội sẽ phát triển các khu thương mại - dịch vụ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; các tuyến phố thương mại văn minh, hiện đại; hình thành và mở rộng các tuyến phố đi bộ và phát triển mô hình kinh tế ban đêm gắn với du lịch...
Đáng chú ý, dịch vụ du lịch được tập trung đến các không gian phát triển các hành lang du lịch, gồm: Hành lang du lịch dọc theo hành lang trục sông Hồng, sông Đuống; hành lang du lịch theo trục sông Đáy, sông Tích; hành lang du lịch theo sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Gắn với hành lang các tuyến sông phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, các loại hình sản xuất kết hợp du lịch và hệ thống các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch.
Quy hoạch cũng lưu ý việc bổ sung giải pháp chống úng ngập cho khu vực khó khăn về tiêu nước; khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước dòng chính sông Hồng, bổ cập nước cho sông Tô Lịch và các tuyến sông thoát nước khác.
Đối với việc sử dụng bãi sông: Tỷ lệ diện tích đất được phép khai thác sử dụng, việc tôn cao bãi sông, xây dựng công trình, nhà ở phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, thủy lợi, phù hợp với Quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chuyên ngành và được xem xét, cụ thể hóa ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, đảm bảo tuân thủ về vị trí, quy mô, tỷ lệ diện tích được phép tôn cao bãi sông, mật độ xây dựng công trình theo quy định, quy hoạch được duyệt.