Sáng 26/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024, với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham gia đối thoại tại chương trình. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng năm 2023, cùng đoàn viên thanh niên tham gia chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại. Ảnh: Xuân Tùng |
An toàn, an ninh mạng là "chiếc phanh" trên chiếc xe chuyển đổi số
Mở đầu chương trình đối thoại, bạn Nguyễn Thành Trung (Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm) đặt câu hỏi về vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là một thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê của Kaspersky, ước tính có tới 35% người dùng internet ở Việt Nam có khả năng phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Vậy, trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về việc này để công cuộc chuyển đổi số được an toàn?
Trả lời về câu hỏi này, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cho rằng, an toàn, an ninh mạng được coi là "chiếc phanh" của chiếc xe chuyển đổi số, để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông trao đổi tại chương trình |
Theo ông Dũng, con số thống kê của bạn Thành Trung nêu ra là con số từ năm 2017, trong 3 năm vừa qua Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp chúng ta vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Dũng cho biết, 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn, an ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ TT&TT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.
Hai giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân là bảo vệ từ sớm, từ xa và trách nhiệm của nhà mạng là phải bảo vệ cho người dùng. Lớp thứ hai là thiết bị đầu cuối cho người dùng, từ máy tính, iPad…
Ông Dũng cho biết, Bộ TT&TT đã cung cấp những tri thức thông tin về lớp bảo vệ này để người dân tự bảo vệ mình, tại địa chỉ www.khonggianmang.vn.
Đây là hai nhóm giải pháp chính, chúng tôi cũng hy vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là chúng ta tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng”, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Chia sẻ thêm với các bạn trẻ về câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế để bảo vệ an ninh mạng và đã phân công cho các bộ, ngành. Trong đó, Bộ Công an đã chỉ đạo chương trình Đề án 06, trong đó có phần xử lý an ninh mạng.
Thủ tướng bình luận thêm về tư duy và phương pháp luận giải quyết vấn đề này. Theo Thủ tướng, cái gì cũng có hai mặt, tích cực và hạn chế, một sự tiến bộ, phát triển nào cũng đi đôi với những hạn chế, cản trở. Quan trọng là chúng ta luôn vững tâm xử lý vấn đề hiệu quả và đối mặt xử lý.
“Trong cuộc sống, tôi mong bạn trẻ luôn giữ thăng bằng trong bất cứ hoàn cảnh nào; bình tĩnh xử lý hiệu quả trong công việc và cuộc sống”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn nhủ bạn trẻ.
Chia sẻ về giải pháp để công cuộc chuyển đổi số được an toàn, Thủ tướng cho biết, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế, phân công các bộ ngành nếu có sự cố; nâng cao năng lực xử lý các sự cố liên quan đến an ninh mạng; nâng cao công tác tuyên truyền, nòng cốt là các bạn trẻ đi đầu trong các lĩnh vực này.
Thủ tướng cho rằng, phong trào “sống” được với thanh niên phải gắn với lợi ích cá nhân, tập thể và dân tộc. Nhắc lại phong trào “Ba sẵn sàng”, Thủ tướng cho rằng sở dĩ phong trào có sức sống với thời gian vì mang đã mang lại lợi ích hoà bình cho mỗi cá nhân và đất nước.
Theo Thủ tướng trong giai đoạn hiện nay tổ chức Đoàn cần tập trung 3 phong trào chính, đó là: học tập nâng cao trình độ công nghệ thông tin; học tập ngoại ngữ và phong trào Bảo vệ và giữ gìn môi trường. Cả 3 phong trào này đều vừa gắn lợi ích mỗi người, vừa gắn lợi ích của mỗi quốc gia.
Đại biểu thanh niên tham gia đặt câu hỏi tại chương trình. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Muốn không thất nghiệp, thanh niên phải chủ động thích ứng
Anh Bùi Kim Ngọc (Công ty Than Uông Bí - TKV) đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất nhanh, chúng ta đã tận mắt chứng kiến nhiều loại hình nghề nghiệp đang bị đe doạ bởi máy móc và AI có thể làm thay con người. Như vậy có tạo ra thất nghiệp không? Chính phủ có giải pháp gì để tránh tạo ra thất nghiệp?”
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp sẽ tác động không nhỏ đến việc làm và sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam chuyển đổi số diễn ra từng bước, không phải đột ngột nên sẽ không xảy ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Bà Hà cho rằng, mỗi lao động, bạn trẻ cần chủ động thích ứng với sự phát triển, thay đổi của nền kinh tế và chuyển đổi số. “Muốn không thất nghiệp thanh niên cần trang bị kỹ năng, kiến thức để thích ứng với nền kinh tế”, bà Hà nói.
Bà Hà cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành triển khai 3 nhóm giải pháp, trong đó sẽ chú trọng kết nối cung cầu, ứng dụng công nghệ để nâng cao trung tâm hướng nghiệp việc làm, thu hẹp khoảng cách giữa nhà tuyển dụng và người lao động…
Bên cạnh đó, sẽ tạo môi trường, điều kiện để doanh nghiệp và các ngành công nghệ phát triển nhằm tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, tạo việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ưu đãi.
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trao đổi tại chương trình. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, quá trình chuyển đổi, chúng ta phải đối mặt với sự đào thải nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc mới, mất việc làm cũng là tất yếu. Tuy nhiên, Chính phủ có phương án để đa dạng hóa thị trường lao động, tạo việc làm cho những người không đáp ứng được ngành công nghệ cao.
Thủ tướng cho rằng, việc chuyển đổi số sẽ tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển, nên thanh niên cần nâng cao kỹ năng, trình độ để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết thanh niên nông thôn sẽ được nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng về chuyển đổi số và sẽ có chính sách về chuyển đổi số cho thanh niên nông thôn.
Đoàn viên thanh niên phát biểu đề xuất, kiến nghị tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Sẽ hỗ trợ thanh niên chuyển đổi số
Chị Nguyễn Thị Trâm (Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong) cho biết, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số. Chị Trâm đặt câu hỏi: Đối với đối tượng thanh niên nông thôn làm kinh tế như chúng tôi, nền tảng cơ sở hạ tầng kém, thông tin ít, tài chính thiếu, rất khó áp dụng công nghệ mới. Vậy, Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ thanh niên nông thôn áp dụng chuyển đổi số phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại chương trình. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp rất cụ thể và có nhiều cơ hội. Đó là mảnh đất sơ khai, có nhiều công việc cần làm và làm là sẽ mang lại hiệu quả.
Ông Hiệp cũng thông tin, Chính phủ đang thực hiện đề án 06, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, các bạn trẻ làm nông nghiệp có thể thành lập kho dữ liệu cập nhật cùng đề án 06. Bên cạnh đó các bạn cần cập nhật, kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, ngoài đi đầu thì phải giúp người khác.
Theo ông Hiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào hỗ trợ thanh niên nông thôn kỹ năng bán hàng trực tuyến. “Các bạn cần tiếp cận chuyển đổi số tích cực nhất, ngoài cho mình cần hỗ trợ cộng đồng thì chúng ta sẽ có thành công”, ông Hiệp nhắn nhủ bạn trẻ.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy tặng hoa Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Xuân Tùng |
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn. Ảnh: Xuân Tùng |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Xuân Tùng |
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng nhấn mạnh, riêng với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những khu vực này bao giờ cũng có thiệt thòi, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và khi có chính sách nào mới thì luôn có các chính sách riêng với các khu vực này.
Muốn chuyển đổi số thì phải có sóng và điện, nên Chính phủ tập trung lấp điểm lõm về sóng và điện, dù có tốn kém nhưng cũng phải làm với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Có những cụm dân cư chỉ 3, 4 hộ dân cheo leo trên núi, thì Viettel, VNPT, EVN… và các cơ quan phải kéo điện và sóng. Cùng với đó, phải có ưu tiên về chính sách, đào tạo nhân lực… với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.