Hết kinh phí
Có đàn lợn lớn nhất cả nước với hơn 2,5 triệu con, sau vài tháng bị dịch ASF càn quét, đến nay đàn lợn ở Đồng Nai giảm còn 1,9 triệu con. Dự báo thời gian tới, dịch ASF tiếp tục lây lan, nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn, nhất là vào dịp cuối năm, đã hiển hiện.
Theo thống kê từ cơ quan chức năng, đến nay số lợn bị tiêu hủy do dịch ASF của Đồng Nai đã lên đến gần 213 ngàn con (11,5%). Dịch ASF lây lan nhanh với lượng lợn tiêu hủy tăng rất mạnh khiến các địa phương gặp khó khăn vì nguồn kinh phí dự phòng không đáp ứng được chi phí xử lý ổ dịch và hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại.
Ban chỉ đạo phòng chống ASF Đồng Nai ước tính dự kiến chi hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại theo chính sách của chính phủ đến thời điểm này khoảng 359 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự phòng ngân sách của các địa phương chỉ có khoảng 130 tỷ đồng.
Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết nguồn ngân sách dự phòng của các huyện, xã cũng như của tỉnh Đồng Nai không đủ để thực hiện công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người chăn nuôi. Hiện hầu hết các địa phương ở Đồng Nai vẫn xét duyệt hồ sơ, dự kiến tới đây, tỉnh sẽ phải chi thêm hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi có lợn tiêu hủy vì dịch.
Ông Nguyễn Quang Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Đến nay, huyện đã tiêu hủy 59,3 ngàn con lợn. Ước tổng số tiền cần hỗ trợ cho người chăn nuôi khoảng 95 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn quỹ dự phòng của cả cấp xã, cấp huyện chỉ khoảng 15 tỷ đồng”.
Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết, nguồn quỹ dự phòng của huyện chỉ có 10 tỷ đồng, mới chỉ chi cho 48 hộ chăn nuôi đã hết 7 tỷ đồng. Hiện các xã nói cần thêm 66 tỷ đồng để hỗ trợ 370 hộ chăn nuôi bị thiệt hại với trên 53,5 ngàn con lợn bị tiêu hủy. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho rằng: “Các địa phương vẫn thống kê đủ số lượng hộ chăn nuôi có lợn bị dịch, chờ có kinh phí sẽ chi hỗ trợ. Mức hỗ trợ hiện nay từ 25.000 đến trên 30.000 đồng/kg ”.
Đến nay 11/11 huyện, thành phố ở Đồng Nai đã xuất hiện ASF với gần 2.000 hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Hầu hết các địa phương đều báo cáo không đủ kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi và thực hiện công tác phòng chống dịch. Trong khi đó, kinh phí dự phòng của tỉnh cũng chỉ còn 192 tỷ đồng, không đủ nguồn chi. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết: “Hiện đang vào mùa mưa nên nguy cơ lây lan dịch bệnh còn rất lớn. Trên cơ sở rà soát con số dự ước hỗ trợ dịch ASF tại các địa phương, Sở Tài chính đã đề nghị Bộ Tài chính cấp thêm kinh phí cho Đồng Nai khoảng 800 tỷ đồng chi cho công tác xử lý dịch ASF và hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại”.
Trước tình hình này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh yêu cầu Sở Tài chính nắm lại tình hình chăn nuôi heo và các số liệu cần thiết về tình hình dịch để đưa ra con số dự đoán phù hợp về kinh phí hỗ trợ khi báo lên Bộ Tài chính. Ông Chánh cũng chỉ đạo sở này cần thực hiện ngay công tác hướng dẫn, kiểm tra việc chi hỗ trợ cho người chăn nuôi và chi phí xử lý dịch tại các địa phương đảm bảo đúng quy định. Theo ông Chánh, con số dự kiến đề xuất thêm 800 tỷ đồng có thể chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương.
Lo thiếu hụt nguồn thịt
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-thú y tỉnh Đồng Nai Trần Văn Quang, người chăn nuôi không nên tái đàn ngay nhằm hạn chế thiệt hại. “Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến tổng đàn lợn của tỉnh Đồng Nai giảm mạnh và sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm”- ông Quang nói.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhìn nhận việc người chăn nuôi hạn chế tái đàn là cần thiết bởi họ đã dính thiệt hại quá lớn do dịch gây ra. “Cùng với số lượng lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh ngày càng tăng trên quy mô cả nước nên việc thiếu thịt lợn là điều chắc chắn xảy ra. Cuối năm, tình trạng thiếu thịt lợn cung cấp cho thị trường sẽ phức tạp hơn”- ông Quang nói. Việc đông lạnh thịt lợn, giảm áp lực tiêu hủy và đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường cũng đã được bàn tới, tuy nhiên giải pháp này khó khả thi vì Đồng Nai hiện chưa có doanh nghiệp nào có hệ thống kho lạnh và máy móc cấp đông đủ đáp ứng nhu cầu.
Vì vậy, giải pháp từ Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đưa ra là nguồn thịt nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong bối cảnh dịch xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới như hiện nay, thịt lợn ngoại nhập sẽ không rẻ. Do đó, bên cạnh việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế thiệt hại, việc tìm kiếm các sản phẩm khác như thịt bò, thịt gà để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt là giải pháp cần tính đến.