Đó là những bất cập được UBND tỉnh báo cáo với với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại buổi làm việc về các vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT tại tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2011 – 2016, sáng ngày 22/3.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, vị trí đặt Trạm thu phí cầu Bến Thủy I và Trạm thu phí cầu Bến Thủy II làm ảnh hưởng đến việc liên kết vùng theo Quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt.
“Vị trí đặt các trạm thu phí cầu Bến Thủy I và cầu Bến Thủy II không phù hợp với việc đầu tư các công trình đã đầu tư. Hai trạm thu phí này được thu phí hoàn vốn cho 7 dự án BOT (trong đó có 4 dự án đầu tư không nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, khi đầu tư không có sự thỏa thuận với tỉnh Hà Tĩnh).
Việc này dẫn đến các phương tiện đi lại của người dân huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và TX Hồng Lĩnh... khi qua cầu Bến Thủy I và II không tham gia giao thông trên các dự án nhưng vẫn phải trả phí”, trích báo cáo.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chất lượng các công trình BOT còn có nhiều bất cập, đầu tư không đồng bộ. “Sau một thời gian ngắn khai thác, đưa vào sử dụng nhiều đoạn trên các tuyến đường BOT đã bị hằn lún vệt bánh xe, hư hỏng, xuống cấp nên thường xuyên phải sửa chữa gây ảnh hưởng đến đảm bảo an toàn giao thông”, báo cáo nêu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới. “Hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu.
Thậm chí nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dự án BOT”, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận định.
Người dân đưa xe ô tô tập trung khu vực cầu Bến Thủy 1 để phản đối việc thu phí sáng 19/3.
Công tác lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án BOT giao thông chủ yếu là chỉ định thầu do “nhu cầu cấp bách”, không thực hiện hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh thì việc này khiến cơ chế cạnh tranh bị mất đi những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí… chỉ thoả thuận, không mang tính chất minh bạch.
Các dự án giao thông BOT nêu trên đến nay chưa hoàn thành công tác thanh quyết toán dự án, dẫn đến không xác định chính xác được mức thu phí, thời gian thu phí phù hợp.
“Hiện nay, thời gian thu phí được quy định căn cứ vào tổng mức đầu tư được phê duyệt tại bước lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư ở bước lập dự án mới chỉ là khái toán nên có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị quyết toán vốn đầu tư, dẫn đến thời gian thu phí trong hợp đồng BOT thường dài hơn nhiều so với thực tế”, trích báo cáo.