Không nên thu với mức 0 đồng
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, phải phân định rõ phương tiện nào thu, mức thu do ai quy định và sử dụng nguồn thu từ phí bảo trì đường bộ như thế nào? Quy định đưa ra, người đóng người không, có quản lý được? Việc chia nguồn thu cho địa phương thế nào, nộp ngân sách ra sao có được báo cáo công khai?... Đồng tình với chủ trương thu phí với ô tô, nhưng theo ĐB Khá, đối với xe hai bánh thì thôi, không nên thu.
“Luật phải công bằng, nhưng thực tế cho thấy, người nộp cũng như người không nộp. Họ không nộp có làm được gì họ không? Ông chạy xe SH có tiền, còn những người bán rau, bán cá thì sao? Xe của người dân, đặc biệt những người hằng ngày chở rau, chở cá đi bán, xe đã cũ nát rồi, thu làm gì. Những cái nhỏ nhặt như thế thì thôi, không nên thu nữa”, ĐB Khá đề xuất.
Ông chạy xe SH có tiền, còn những người bán rau, bán cá thì sao? Xe của người dân, đặc biệt những người hằng ngày chở rau, chở cá đi bán, xe đã cũ nát rồi, thu làm gì.
ĐB Nguyễn Thị Khá
ĐB Khá cho rằng, trong trường hợp địa phương thu được 100 tỷ đồng mỗi năm, nhưng chi phí cho quản lý, chi phí cho trách nhiệm của các cấp hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu cũng không ai biết. “Quan điểm của tôi, thu phải rõ ràng, cấp nào quyết định thu, thu với mức nào cần quy định rõ”, ĐB Khá đề nghị.
ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, việc thu phí để phục vụ hạ tầng giao thông là cần thiết, tuy nhiên cần tập trung đến những nguồn thu lớn. Thu phí bảo trì đường bộ xe máy chỉ vài chục đến một trăm nghìn đồng mỗi xe, mặt khác việc thu phí cũng rất mất công, đẻ ra bộ máy cồng kềnh nên cần xóa bỏ thu phí này. “Trên thực tế, tuy số lượng xe máy nhiều, nhưng giá trị lại khác nhau, có những xe chỉ vài triệu đồng, mà hằng năm lại phải bắt họ nộp phí thì không nên”, ĐB An nói và đề nghị không nên để HĐND các tỉnh, thành quyết định thu với mức 0 đồng, vì như vậy vẫn phải sinh ra phiếu thu mà chẳng giải quyết được việc gì.
“Với tư cách là một ĐBQH, tôi đồng tình với đề xuất của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM về việc dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Ở Hà Nội, nếu có thu thì số tiền thu được cũng không phải nhiều lắm. Mặt khác, việc thu phí này để hạn chế xe máy cũng không đạt được, vì xe máy là phương tiện để người ta đi làm kiếm sống. Hai mục tiêu đó nếu không đạt được thì nên quyết định không thu”, ĐB An nói.
Thu đúng, đủ, công bằng phí đường bộ xe máy là bài toán nan giải. Ảnh: Hồng Vĩnh.
HĐND được quyền quyết định không thu
Theo ĐB Chu Sơn Hà (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội), việc thu phí đường bộ do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định. Thu với mức nào thì tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhưng cũng chỉ được thu trong mức khung quy định. Theo ĐB Hà, số tiền thu được nhiều hay ít chỉ là một lý do, việc thu hay không thu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. “Tuy số tiền thu được không đáng kể, nhưng việc thu phí cũng để người dân nâng cao ý thức trong tham gia giao thông”.
Cũng theo ĐB Hà, tới đây Quốc hội sẽ giao cho HĐND quyết định thu phí loại gì, trên cơ sở khống chế mức trần, còn thu hay không, thu ở mức nào sẽ do HĐND quyết định. Tuy nhiên đến thời điểm này, thông tư liên bộ vẫn đang có hiệu lực, vì Luật Phí, lệ phí chưa được Quốc hội thông qua. “Thông tư hướng dẫn chỉ quy định mức tối đa, không quy định mức tối thiểu, do vậy địa phương hoàn toàn có quyền không thu. Còn thu mức bao nhiêu do điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để HĐND đưa ra quyết định”, ĐB Hà phân tích.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho rằng, chủ trương này nên thực hiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên điều quan trọng nhất là việc sử dụng một cách có hiệu quả nguồn thu ấy. “Cái người ta lo lắng nhất là thu rồi nhưng đường thì vẫn xấu như lúc chưa thu”, ĐB Sơn nêu băn khoăn.