Chậm nộp để hưởng lãi
Chiều 22/6, trao đổi với Tiền Phong, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng cho biết: Quá trình thanh tra Quỹ Bảo trì đường bộ cơ bản đã hoàn thành; hiện tổng hợp để báo cáo lên cấp trên trước khi công khai kết quả để người dân được biết.
Về lý thuyết, quỹ này chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Song qua kết quả kiểm tra của chính văn phòng quỹ này công bố hồi tháng 3, tình hình thu và sử dụng phí đường bộ đối với ô tô đã phát hiện hàng loạt sai phạm. Kết quả kiểm tra tại 19 đơn vị thu phí đăng kiểm trên cả nước, các sai phạm thường liên quan đến tài chính, như: Chưa hạch toán kế toán đầy đủ, kịp thời; số dư tiền thu phí tồn tại một số trung tâm đăng kiểm còn lớn…
Cụ thể, một số đơn vị có số thu phí sau giờ ngân hàng đến thu tiền hoặc vào ngày thứ Bảy, chuyển sang nộp vào ngày hôm sau. Văn phòng quỹ đánh giá, việc thu này là chưa phù hợp với quy định hiện hành. Như tại Trung tâm đăng kiểm 6004D (Đồng Nai) đã không nộp ngay tiền thu phí vào tài khoản của quỹ theo quy định, thậm chí có thời điểm để sau 2 tuần mới nộp vào ngân hàng.
Ngoài ra, công tác thu phí hộ của ngân hàng tại một số địa phương chưa thực hiện theo đúng cam kết đã dẫn đến số dư tiền thu phí tồn tại một số trung tâm đăng kiểm lớn, thời gian chuyển về Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương chậm so với quy định. Cụ thể, một số chi nhánh ngân hàng chưa hạch toán chuyển ngay trong ngày 99% số thu phí về tài khoản Cục Đăng kiểm Việt Nam và 1% số thu về tài khoản của đơn vị nên tài khoản chuyên thu của một số đơn vị có phát sinh lãi…
Đang sử dụng quỹ ra sao?
Theo quy định hiện hành, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương bao gồm nguồn thu phí đường bộ đối với ô tô (qua Cục Đăng kiểm), Bộ Quốc phòng (nộp cho các xe của quân đội) và nguồn ngân sách cấp thường xuyên (thông qua Bộ Tài chính). Trong tổng số quỹ này, 65% cấp cho Tổng cục Đường bộ chủ trì bảo trì quốc lộ (hiện nay còn dùng để mua lại các trạm thu phí bán quyền thu phí trước đây); 35% dành cho bảo trì đường địa phương (đường tỉnh, huyện, xã).
Tổng Cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho hay: Việc bảo trì quốc lộ đang được triển khai theo phương án đấu thầu; thay cho phương án chỉ định trước đây. “Bộ GTVT giao định mức đấu thầu bảo trì ở mức 50 triệu đồng/km/năm, nhưng có đoạn, chúng tôi đấu xuống còn 25 triệu đồng/năm/km. Vừa qua, đấu thầu ở Đồng bằng sông Cửu Long, giảm được khoảng 30% chi phí bảo trì so với trước. Hiện đấu thầu bảo trì 3 năm. Tới đây, hợp đồng sẽ giao trong 5 năm”, ông Huyện nói. Trong đó, Tổng cục yêu cầu các nhà thầu bảo trì rà soát và xóa ổ gà trên đường hàng quý.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho hay, nguồn quỹ bảo trì cho địa phương hiện rất khó khăn. Trung bình, mỗi tỉnh có 1.000 km tỉnh lộ, huyện lộ và 4.000 km đường xã. Tổng chi phí bảo dưỡng, sửa chữa mỗi năm ít nhất cần 80-100 tỷ đồng/tỉnh. Mức cấp về từ quỹ Trung ương khoảng 20-25 tỷ đồng/năm/tỉnh, chiếm 30-40%.