Là địa phương sau cùng, sau nhiều lần trì hoãn, từ ngày 1/7 tới, TPHCM sẽ đồng loạt triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy (PĐBXM).
Hợp lòng dân
Trước diễn biến mới, nhiều người dân ở quận 9 đã quyết định tạm hoãn nộp PĐBXM để nghe ngóng thêm. Bà Nguyễn Thu Nga (47 tuổi, Khu phố 1, phường Phước Long B, quận 9) cho biết: Nhà tôi có ba chiếc xe máy. Ông xã chạy xe ôm, lo chạy ăn hằng ngày, thu nhập bữa có, bữa không. Tui làm công nhân, lương tháng được hơn bốn triệu đồng, phải lo cho hai đứa con đang ăn học, trả tiền nhà thuê, điện, nước… tháng nào cũng thiếu trước, hụt sau.
“Vài trăm nghìn đối với người khá giả không đáng là bao nhưng đối với dân nghèo tụi tui lớn lắm. Hay tin sắp tới TPHCM không thu phí, tui rất mừng” – bà Nga nói.
Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TPHCM cho biết ông và nhiều đại biểu, cử tri rất vui khi biết HĐND TPHCM có thẩm quyền quyết định mức thu 0 đồng đối với PĐBXM.
“Người sử dụng đường bộ phải nộp phí bảo trì là đúng nhưng biện pháp thu không phù hợp, phải huy động cả bộ máy, trong khi số tiền thu được không nhiều, không đủ để bảo trì đường sá. Nhiều địa phương trong năm đầu chỉ thu được 40%, các năm sau chỉ thu được xấp xỉ 10% nên tốt nhất là bỏ. Về lâu dài, vẫn phải duy trì thu phí đường bộ nhưng cần có chính sách phù hợp như thu qua xăng dầu, thu từ ô tô và những phương tiện vận tải làm hỏng đường. Còn xe máy không làm hỏng đường, hầu hết là của dân nghèo” – ông Quân chia sẻ.
Bối rối
Theo Quyết định mới nhất của UBND TPHCM, việc thu PĐBXM sẽ thực hiện đồng loạt từ ngày 1/5. Ban hành cận ngày (cuối tháng 4), không kịp tổ chức tập huấn cho các phường xã nên giờ G được dời đến ngày 1/7. Tuy nhiên, một số địa phương đã triển khai thu phí trước giờ G, như UBND phường Phước Long B (quận 9).
Sáng 18/6, có khá nhiều người dân đến nộp PĐBXM. UBND phường bố trí một phòng làm việc dưới tầng trệt để thu tiền. Bà Phạm Thị Hoàn, Phó chủ tịch UBND phường Phước Long B cho biết từ đầu tháng 4 đã triển khai việc kê khai phương tiện đến từng hộ dân trong phường. Theo số liệu kê khai vào năm 2012, toàn phường có khoảng 14 nghìn mô tô, xe máy song mới có 7.000 phương tiện kê khai trong đợt này. Số liệu kê khai được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu của phường.
Từ ngày 1/6, phường Phước Long B bắt đầu thu phí. Người nộp phí cầm theo giấy đăng ký phương tiện (cà vẹt xe). Nếu phương tiện chưa kê khai thì người nộp tiền phải kê khai để đưa vào cơ sở dữ liệu quản lý. Người dân trực tiếp đến UBND phường nộp tiền, nhận biên lai hoặc đến văn phòng điều hành khu phố. Cán bộ khu phố sẽ nhận tiền của người dân, ghi biên nhận, sau đó nộp cho phường, nhận biên lai đưa về cho người dân.
Thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, UBND phường cử tổ công tác (3 người) luân phiên đến 6 khu phố để thu phí và trực tiếp cấp biên lai cho người dân. Tính đến ngày 18/6, UBND phường Phước Long A đã thu phí khoảng 700 phương tiện, trong đó có nhiều xe đăng ký ngoài tỉnh với mức thu chủ yếu là 100.000 đồng/xe/năm.
“Trên địa bàn phường có nhiều người nhập cư. Từ năm 2013, nhiều người đến liên hệ nộp PĐBXM vì không có điều kiện về địa phương. Mấy hôm nay, nhiều người dân thắc mắc là họp Quốc hội, TPHCM đề xuất không thu nữa, tại sao phường vẫn thu? Chúng tôi phải giải thích đó mới là đề xuất, hiện nay chưa có quyết định chính thức nên người dân vẫn phải nộp phí” – bà Hoàn cho biết.
Lãnh đạo UBND một số phường thuộc quận 9 xác nhận đã triển khai thu PĐBXM trước ngày 1/7 và đang bối rối không biết có trả lại cho người dân, trả lại như thế nào nếu sắp tới TPHCM quyết định không thu nữa. Trong khi đó, đại diện UBND một số phường xã thuộc quận Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận và huyện Bình Chánh cho biết đang thực hiện việc kê khai đăng ký. UBND phường, xã chỉ thu phí khi có chỉ đạo từ UBND quận.
Theo TS Phan Hồng, về nguyên tắc, nếu thu phí 0 đồng thì TPHCM không thu tiền nhưng vẫn phải cấp biên lai cho người dân (để xuất trình khi đến các địa phương khác) và người dân các địa phương khác vẫn có quyền được nộp phí tại TPHCM. Nghĩa là TPHCM không có nguồn thu bù đắp nhưng vẫn tốn kinh phí in biên lai, chứng từ, duy trì bộ máy thu phí tại các địa phương để giải quyết cho người dân.