Loạn thu phí: Dân chưa phân biệt phí với giá?

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế. Ảnh: Chinhphu.vn
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế. Ảnh: Chinhphu.vn
TP - Chiều 4/6, tại cuộc họp chuyên đề về dự thảo Luật Phí và Lệ phí, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Sắp tới nhà nước chỉ đứng ra thu các khoản phí nhất định với mức thu đủ bù đắp chi phí dịch vụ công. Với những dịch vụ mà khoản thu bù đắp toàn bộ chi phí, có thể chuyển giao cho doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ.

“Điều này nhằm khuyến khích DN đầu tư dịch vụ công. Tất nhiên khi đó DN phải có lợi nhuận phù hợp”, ông Thi cho hay. Vị này đưa ra các ví dụ áp dụng mô hình này, như phí công chứng… “Nếu các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư, người dân sẽ được lợi”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan tình trạng có hợp tác xã thu đến 19 khoản khác nhau, ông Thi khẳng định, không phải tất cả các khoản thu này là phí quy định của nhà nước. “Có những khoản gọi là giá dịch vụ”, ông Thi nói. Ông đưa ra dẫn chứng người dân khi đi vào tham quan khu du lịch, họ phải trả tiền gọi là phí vào cổng, nhưng thực chất giá dịch vụ, bởi khu đó do DN đầu tư. “Những khoản này thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Có thể do người dân chưa hiểu rõ các loại chi trả là phí hay giá”, ông Thi phân tích.

Liên quan đến sự chênh lệch lệ phí trước bạ giữa các địa phương, ông Thi cho hay, khoản thu này có quy định riêng. Trong điều kiện chưa có luật tài sản, phải dựa vào luật này. Hiện quy định về lệ phí trước bạ nhằm hạn chế phương tiện tập trung tại một số thành phố lớn. “Các địa phương này đề nghị lệ phí trước bạ tăng 5-10% so với mức quy định chung. Có một số khoản để cấp tỉnh quy định cho phù hợp với địa phương. Như vậy vừa đảm bảo tính linh hoạt, nhưng vẫn thống nhất”, ông Thi nói.

Theo dự thảo Luật Phí và Lệ phí, Bộ Tài chính đề xuất chuyển học phí sang cơ chế giá. Điều này đặt ra câu hỏi liệu có làm tăng chi phí người dân và trái ngược với chủ trương khuyến khích phổ cập giáo dục của nhà nước. Vụ trưởng Thi cho hay, không phải đến khi dự thảo Luật Phí và Lệ phí mới quy định chuyển sang giá mà đã có sẵn lộ trình thuộc Luật Giá.

“Với bậc tiểu học, người dân được miễn phí, khi chuyển sang cơ chế giá, nhà nước sẽ bỏ tiền”, ông Thi cho hay. Còn về viện phí, khoản này cũng nằm trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Cơ bản, vụ này sẽ tính đúng, tính đủ để đảm bảo điều kiện chăm sóc, chữa bệnh cho người dân. “Khi chuyển sang cơ chế giá, người dân được lợi nhờ chất lượng dịch vụ tăng. Ngoài ra, có sự cạnh tranh để phát triển”, ông Thi nhận định.

MỚI - NÓNG