Bà Tâm cho biết: Trước kỳ họp, HĐND TPHCM sẽ ghi nhận ý kiến của các cử tri về việc triển khai thu phí có khó khăn, vướng mắc gì không. Các đại biểu sẽ thảo luận và HĐND TPHCM sẽ chính thức có ý kiến. Đây là Nghị định của Chính phủ nên TPHCM phải chấp hành. Mình triển khai chậm là do TPHCM đông dân, phải cân nhắc, cẩn trọng thu như thế nào hợp lý, đảm bảo sự đồng thuận của người dân, có phương án quản lý nguồn thu tốt, đúng mục đích bởi đây là tiền đóng góp của người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng thu phí với mức 0 đồng như bà đề cập tại kỳ họp Quốc hội sẽ phát sinh nhiều bất cập hơn như không tạo nguồn thu nhưng vẫn phải chi để quản lý, in ấn,… Quan điểm của bà như thế nào?
Vừa rồi báo chí có sự nhầm lẫn. Khi trao đổi với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, tôi nói nếu có hướng dẫn thu phí bằng 0 đồng thì TPHCM đã áp dụng rồi bởi tôi chắc chắn không có văn bản nào hướng dẫn như vậy. Nếu hiểu theo nghĩa không có trần dưới là có quyền thu 0 đồng thì cần phải xem lại. Thông tư 133 của Bộ Tài chính không có khung dưới (không có mức thu tối thiểu) không có nghĩa là hiểu nó không có mức tối thiểu nào bởi cũng trong Thông tư 133 lại có hai mức thu tối đa. Rõ ràng trong văn bản hướng dẫn có mức phân chặn.
HĐND TPHCM đã nghiên cứu rất kỹ Thông tư 133 khi xây dựng Nghị quyết về thu phí. Nếu cho rằng không có mức tối thiểu, thu cũng được, không thu cũng được là sai với tinh thần của Nghị định 18 và Nghị định 56 của Chính phủ.
Thưa bà, trừ TPHCM và một số ít tỉnh, thành phản đối còn hầu hết địa phương khác đồng tình thu phí đường bộ. Phải chăng việc phản đối là do ngại khó?
“Người dân nói khi tôi nộp tiền thì chỉ có tôi với anh. Anh đưa tôi một cái biên lai. Tiền đó đi về đâu, được dùng làm gì, có minh bạch không…thì liệu có trả lời được không”.
(Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm)
Thu phí đường bộ xe máy có 5 vấn đề bất cập. Một là thu phí đường bộ không hợp lý, thứ hai là không công bằng và tôi đã chứng minh tại kỳ họp Quốc hội. Thứ ba là rất khó. Khó minh bạch và công khai (mà quan điểm xây dựng Luật Phí, lệ phí là phải công khai minh bạch). Cái khó tiếp theo là rất khó hiểu. Người hành thu, tổ chức chính quyền ở địa phương cũng như người dân không hiểu vì sao phải thu phí này, trong khi mua xe người dân đã đóng thuế rồi.
Người dân đã chịu rất nhiều loại thuế và lệ phí (ít nhất là 5 loại thuế và lệ phí), vì sao phải đóng thêm phí nữa? Người dân rất khó hiểu. Ngay như HĐND TPHCM ra Nghị quyết mà còn không hiểu được. Cái khó nữa là khó thực hiện (trong khi mục tiêu của Luật Phí và lệ phí phải dễ hiểu, dễ thực hiện).
Theo cách thu hiện nay, đến gõ cửa từng nhà đưa cho người dân biểu mẫu kê khai. Người dân tự kê khai và ký chịu trách nhiệm, liệu người đi phát phiếu có biết khai có đúng không, trong nhà có mấy chiếc xe... Theo quy định, người dân tự đến nộp phí. Không đồng tình thì liệu họ có đến nộp không? Dân không tự nguyện, cán bộ phải gõ cửa từng nhà để thu và không biết lúc nào người dân có nhà. Điều này làm bộ máy cán bộ ở phường xã khu phố, tổ dân phố chỉ lo chuyện thu phí.
TPHCM có 10 triệu dân, số lượng xe gắn máy nhiều nhất so với cả nước nhưng tính thu đủ, thu hợp lý chỉ trên dưới 300 tỷ đồng. Chi hành thu hết 20%, góp về quỹ bảo trì đường bộ lại chi tiếp cho bộ máy bảo trì đường bộ thì không còn bao nhiêu tiền để đi vào công trình, trong khi bộ máy hành thu lại quá cồng kềnh.
Cảm ơn bà.