Lãnh đạo của Học viện Quân y cho biết, đơn vị này đang triển khai kế hoạch để tuyển tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19. Sau khi xây dựng xong kế hoạch tuyển, được Bộ Y tế thông qua thì sẽ thành lập các bộ phận để tuyển chọn, tuyên truyền, tập huấn.
Trước đó, chỉ đạo tại cuộc họp báo cáo tình hình nghiên cứu sản xuất vắc-xin COVID-19 trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay ngày 10/12, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc-xin COVID-19 của Việt Nam.
Theo kế hoạch, sau đó 1 tuần (nghĩa là ngày 17/12), sẽ tiến hành tiêm mũi vắc-xin thử nghiệm đầu tiên. Song song đó, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2.
TS. Nguyễn Ngô, Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Công nghệ đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc-xin cho hay, trong giai đoạn một tiêm thử nghiệm trên người, dự kiến số lượng khoảng 40-60 người, với các mức liều khác nhau để xác định tính an toàn cho các mức liều tương ứng. Trên cơ sở đó mới kết luận ở mức liều nào thì có độ an toàn cao nhất.
"Giai đoạn 2 nghiên cứu trên số lượng rộng hơn để đánh giá không chỉ độ an toàn mà còn đánh giá cả tính sinh miễn dịch, dự kiến bắt đầu vào tháng 3/2021. Trên cơ sở kết quả giai đoạn 2, mới chuyển sang giai đoạn 3 với cỡ mẫu khoảng 10.000 người hoặc vài chục nghìn người" - TS Quang cho hay.
Ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Nanogen, đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trên người cho biết, vắc-xin COVID-19 của Nanogen dự kiến mất khoảng 6 tháng để thử nghiệm lâm sàng trên người, chia thành ba giai đoạn, đến tháng 5/2021 có thể đưa vào tiêm chủng.
Trong thử nghiệm giai đoạn một, công ty phối hợp với Học viện Quân y, tuyển chọn 60 tình nguyện viên để tiêm vắc-xin. Nhóm này sẽ chia nhỏ thành 3 nhóm để tiêm thử hàm lượng vắc-xin khác nhau gồm: 25 mg, 50 mg và 75 mg. Toàn bộ quy trình thử nghiệm giai đoạn một sẽ kéo dài trong một tháng. Trước mắt, sẽ tiêm cho 20 người đầu tiên. Giai đoạn hai, thử nghiệm trên quy mô 600 người, trong thời gian 2-3 tháng. Sau đó thử nghiệm sẽ thực hiện gối tiếp giai đoạn ba hiện chưa rõ số lượng tình nguyện viên.
Công ty Nanogen có thể sản xuất 30 triệu liều vắc-xin COVID-19 mỗi năm với giá thành khoảng 100.000 đồng một liều. Mỗi liều tiêm 2 mũi, cách nhau nửa tháng. Một lãnh đạo Học viện Quân y cho biết các tình nguyện viên sau khi được tuyển chọn sẽ được các bác sĩ của học viện tiêm tại đơn vị thử nghiệm lâm sàng. Họ sẽ phải ở lại viện theo dõi sức khỏe sau tiêm.
Cùng với NANOGEN, 3 đơn vị còn lại là Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) cũng đang chạy đua để đưa vắc-xin COVID-19 ra thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến, tháng 2/2021, tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc-xin của IVAC và đến tháng 3/2021 là vắc-xin của Vabiotech.
Theo ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cuối tháng 12 sẽ chính thức nộp hồ sơ đề nghị thử nghiệm lâm sàng trên người. "Nếu mọi kết quả giai đoạn nghiên cứu trên động vật thành công, đồng thời được cơ quan quản lý chấp thuận, chúng tôi dự kiến thử trên người vào tháng 3/2021", ông Thái nói.
TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech cho biết: "Trong thời gian nhanh nhất có thể, chúng tôi xin thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2021". Công ty này cũng song song theo dõi các nhà sản xuất khác, vắc-xin khác để đánh giá và rút kinh nghiệm cho vắc-xin COVID-19 đang nghiên cứu.