Con yêu ba hơn mọi thứ trên đời
Trên chuyến tàu HQ-561 ra huyện đảo Trường Sa những ngày cận Tết Nguyên đán 2015 có 12 chiến sĩ thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) ra thay phiên làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn - nơi đặt Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa. Với tinh thần cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước, các anh đều viết đơn tình nguyện ra Trường Sa bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, trong đội có những người lính sắp tới tuổi nghỉ hưu, nhưng vẫn xung phong ra Trường Sa.
Thiếu tá Lê Quang Việt, 46 tuổi, có vợ là quân nhân vẫn viết đơn tình nguyện ra Trường Sa. Anh kể, phải 8 năm sau khi cưới anh chị mới có con, nên nay con gái đầu mới học lớp 6, con trai thứ 2 học lớp 4. Nhắc tới con, anh Việt khoe, trước khi anh ra Trường Sa, con gái còn gửi quà đặc biệt. Nói rồi, anh vào phòng lấy quà của con được anh cất kỹ trong ba lô. Món quà nhỏ được gói không quá cầu kỳ, chỉ bọc trong một tờ giấy A4, một mặt dán mẩu giấy ô ly với vài dòng nhắn nét chữ trẻ thơ và dán miếng băng dính nhỏ.
“Ba phải giữ gìn sức khỏe để về sống với con và mẹ đến 100 tuổi… Ba cố lên! Hãy hoàn thành nhiệm vụ!”.
Con gái Hải Ha (học lớp 6) của thiếu tá Lê Quang Việt
Tỷ mẩn bóc miếng băng dính để không làm rách giấy bọc, thiếu tá Việt lần giở gói quà của con gái Hải Hà: một chiếc lược nhỏ, một chiếc gương, một bức ảnh cả gia đình chụp cách đây vài năm và một lá thư.
Thư là tờ giấy lấy ra từ một cuốn sổ, với bức ảnh Bác Hồ nằm trung tâm lá thư, phía dưới chân dung Bác là câu nói nổi tiếng của Người: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Trong thư, con gái anh Việt viết: “Ba phải hứa sẽ về sớm với con và mẹ nhé ba! Ba hứa đó! Ba ơi! Ba có biết là con yêu ba nhiều lắm không ba? Ba hứa nhé! Con yêu Ba và Mẹ cùng gia đình hơn tất cả mọi thứ trên đời này. Ba phải sống cho tốt nhé! Ba phải giữ gìn sức khỏe để về sống với con và mẹ đến 100 tuổi…”.
Con gái anh Việt còn động viên bố: “Ba cố lên! Hãy hoàn thành nhiệm vụ!”.
Mặt sau lá thư, 4 chữ “Con yêu ba nhiều!” được cô bé viết theo hình dích dắc dọc trang giấy, xen kẽ giữa 4 chữ là những dòng ngắn cô con gái nhỏ tái bút: “Ba nhớ giữ khi nào nhớ gia đình mình thì ba mở ra xem ba nhé!”; “Ba cố giữ gìn sức khỏe nhé, ba dễ thương”. Và cuối thư là hình vẽ hai mặt người ngộ nghĩnh tượng trưng cho bố và con đang nhìn về một phía.
“Đọc xong thư con gái mà mình vừa bất ngờ vừa xúc động, con bé mới học lớp 6 thôi”, anh Việt nói, bối rối quay đi hướng khác, đưa tay lau vội nước mắt. Anh đi Trường sa, việc nuôi dạy 2 con nhỏ đặt cả lên vai vợ. “Trước lúc lên tàu, vợ nhắn mình cứ yên tâm công tác, nhà và con đã có em lo”, anh Việt nói.
Những người canh trời Trường Sa
Sân bay trên đảo Trường Sa Lớn
Trung tá Nguyễn Huy Lương, Đội trưởng Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa, cho biết, đội có nhiệm vụ: Điều hành hoạt động bay tại sân bay đảo Trường Sa Lớn; thông tin đảm bảo bay; tiếp nhiên liệu cho trực thăng; quản lý không lưu, giám sát hoạt động và chỉ dẫn bay (cả quân sự và dân sự) tại vùng trời quần đảo Trường Sa. Đồng thời, lực lượng Sư đoàn 370 còn có nhiệm vụ phối hợp các lực lượng khác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa tham gia phòng thủ, tập luyện và sẵn sàng chiến đấu. “Đoàn có 12 đồng chí thì có 10 người đang có con nhỏ”, trung tá Lương cho biết. Ngoài sân bay tại Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa còn có bãi đỗ trực thăng tại đảo Nam Yết và Song Tử Tây.
Trung tá Lương (41 tuổi) lấy vợ muộn nên tới nay, con gái lớn mới học lớp 2, còn con trai mới 5 tuổi. “Mình đi công tác xa nhà cả năm, giờ mọi lo toan vợ phải thay mình làm, con lại còn nhỏ. Nhưng lúc biển Đông đang căng thẳng, mình tình nguyện lên đường bảo vệ biển đảo Tổ quốc và động viên vợ cố gắng thay chồng chăm lo cho gia đình, dạy con lúc chồng vắng nhà”, anh Lương chia sẻ.
Trong chuyến ra Trường Sa lần này, Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa còn có thiếu tá Đào Hữu Phước 51 tuổi. “Theo quy định, mình đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng biết cuối năm có đợt thay quân ra Trường Sa nên mình viết đơn tình nguyện xin đi chuyến này trước khi về hưu. Có thể mình đã nhiều tuổi, nhưng sẽ cố gắng để bảo vệ vùng trời và biển đảo quê hương, làm gương cho anh em chiến sĩ trẻ”, thiếu tá Phước nói.
Ngoài nhiệm vụ điều hành bay, bảo vệ vùng trời và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Sư đoàn 370 còn tham gia hỗ trợ, cấp cứu ngư dân mỗi khi họ gặp tai nạn, ốm đau khi đang hoạt động nghề cá tại ngư trường Trường Sa. Tháng 10/2014, Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa phối hợp đưa trực thăng của Sư đoàn 370 chuyển ngư dân Lê Quang Minh (quê Bình Định) bị tràn dịch phổi về đất liền cấp cứu.
Tháng 3/2014, phối hợp đưa trực thăng cấp cứu ngư dân Nguyễn Văn Phong (quê Khánh Hòa) bị tai biến về đất liền cấp cứu. Tháng 10/2013, phối hợp điều trực thăng đưa ngư dân Bùi Tấn Việt (quê Bình Định) bị nhiễm trùng uốn ván về đất liền cấp cứu…