Thống nhất chế độ cảnh vệ với các chức vụ, chức danh tương đương nhau

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, cần bổ sung ba đối tượng cảnh vệ để đảm bảo nguyên tắc các chức vụ, chức danh tương đương nhau thì việc thực hiện chế độ, chính sách, trong đó có chế độ cảnh vệ phải thống nhất.

Chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Dự thảo quy định đối tượng cảnh vệ, gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.

Dự thảo cũng bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ là: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao.

Chính phủ cho rằng, Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hằng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước.

Thống nhất chế độ cảnh vệ với các chức vụ, chức danh tương đương nhau ảnh 1

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình)

Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhất trí với quy định bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao.

Theo ông, việc bổ sung ba đối tượng trên nhằm thể chế hóa kịp thời Kết luận 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở .

Theo Kết luận 35 thì 3 chức danh nêu trên là những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, trong khi luật hiện hành chưa quy định, cần bổ sung để đảm bảo nguyên tắc, các chức vụ, chức danh tương đương nhau thì việc thực hiện chế độ chính sách, trong đó có chế độ cảnh vệ phải thống nhất.

“Điều đó đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ chính sách đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đề cập đến quy định bổ sung thẩm quyền cho Bộ trưởng Công an quyết định biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng, quy định này trong dự thảo luật còn chung chung.

Đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xác định cụ thể trường hợp nào là cần thiết, và phải quy định rõ luôn trong luật cho chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định chặt chẽ về việc này cho đảm bảo chặt chẽ. Do vậy, cần bổ sung thêm một số trường hợp, cần căn cứ theo yêu cầu của các đối tượng, chủ thể có thẩm quyền nào đó thì Bộ trưởng Bộ Công an quyết định các biện pháp cảnh vệ.

"Chẳng hạn như yêu cầu của Đại sứ quán, yêu cầu của Chủ tịch nước, hay Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương", ông Cường nêu.

MỚI - NÓNG
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
TPO - Nguyễn Ngọc Mai An, học sinh lớp 9A2, trường THCS Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là một trong những đại biểu đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, với 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; tích cực tham gia các hoạt động Đội, đồng thời là MC học đường và đạt nhiều thành tích các cuộc thi về Tin học, sáng tạo.