Biển Đông vừa trải qua một tháng 8 yên tĩnh lạ thường, không một cơn bão hay áp thấp nhiệt đới hoạt động. Điều này rất hiếm khi xảy ra. Trong suốt 61 năm qua chỉ ghi nhận 6 lần, Biển Đông không có bão/áp thấp nhiệt đới vào tháng 8, gồm các năm 1980, 1985, 1988, 2011, 2015 và năm nay là lần thứ 6.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, đây là điều khá bất thường trong bối cảnh chuyển pha từ El Nino sang La Nina, nhất là khi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương những tháng qua gánh chịu bão dồn dập.
Từ đầu mùa bão 2024, khu vực này chứng kiến sự xuất hiện của 10 cơn bão, trong đó 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia Đông Á. Ba cơn bão mạnh là Geami, Ampil và Shanshan đổ bộ vào Nhật Bản và Trung Quốc, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hai quốc gia này.
Tháng 8 năm nay cũng ghi nhận nền nhiệt cao bất thường, nhất là các tỉnh miền Trung, Nam Bộ và Tây Nguyên. Nền nhiệt trung bình cả nước trong tháng 8 đạt 28.3 độ, cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử quan trắc được.
Miền Trung trải qua tháng 8 trong điều kiện nắng nóng gay gắt. |
Miền Trung gần như cả tháng 8 hứng chịu nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, nhiều nơi trên 37 độ. Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 8 qua cũng hứng chịu nhiều đợt khô hạn bất thường, còn biết đến với tên gọi hạn bà chằn. Tình trạng khô hạn và oi nóng cục bộ đã xảy ra khiến nhiều người cảm giác như đang giữa mùa khô dù thực tế đang là giữa mùa mưa ở khu vực này.
Trong tháng 8, hàng loạt địa phương đều ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử như Hoà Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước.
Đáng lưu ý tại Như Xuân, Thanh Hoá, nhiệt độ ngày 10/8 lên tới 39,7 độ, là nhiệt độ tháng 8 cao nhất trong 47 năm qua, kể từ 1977, hay tại Lạc Sơn (Hoà Bình), ngày 10/8 cũng ghi nhận nhiệt độ lên tới 39,8, vượt qua kỷ lục được thiết lập vào 2021.
Trái ngược lại với miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, miền Bắc lại trải qua tháng 8 cũng như một mùa hè nhiều mưa hiếm thấy, kéo theo hàng loạt thiên tai như lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Nhiều khu vực xuất hiện mưa với cường độ rất lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng như tại Hà Nội, Thái Nguyên.
Trận mưa dông bất chợt trưa ngày 29/8 gây ngập úng cho đường phố Hà Nội. Ảnh: Duy Phạm. |
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2024 diễn biến khí tượng, thủy văn cả nước tiếp tục có những biến động, khó lường trong bối cảnh La Nina có thể xuất hiện từ tháng 9 với xác suất 60-70%.
Theo báo cáo của tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), sự gia tăng các hiện tượng thiên tai cực đoan, nhất là các cơn bão mạnh đã được ghi nhận trong những năm qua ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có liên quan mật thiết đến tình trạng biến đổi khí hậu.
Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố báo cáo về tình trạng khí hậu ở Châu Á trong năm 2023 cho thấy, Châu Á tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai với khoảng 80% các thảm họa thiên nhiên được ghi nhận ở Châu Á liên quan đến lũ lụt và bão, hơn 2.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bị ảnh hưởng. Trong khi tác động của sự gia tăng nhiệt độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Báo cáo của WMO nêu rõ rằng khu vực châu Á đang ấm lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, với nhiệt độ bề mặt biển ở vùng biển Bắc Tây Thái Bình Dương đạt mức cao kỷ lục. Năm 2023 ghi nhận nhiều kỷ lục về nhiệt độ, bao gồm các năm nóng nhất ở Nhật Bản và Kazakhstan.
Theo ông Mai Văn Khiêm, WMO và Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đang hợp tác để nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách dựa trên bằng chứng và cải thiện hệ thống cảnh báo sớm trong khu vực. Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các dịch vụ khí hậu và dự báo để quản lý rủi ro và thích ứng với những thách thức ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.
“Tóm lại, sự xuất hiện của nhiều cơn bão mạnh trong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương từ đầu mùa bão 2024 được đánh giá là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố khí hậu, biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là ở khu vực Châu Á. Việc theo dõi và nghiên cứu các yếu tố này sẽ giúp hiểu rõ hơn về hiện tượng và cải thiện khả năng dự báo và ứng phó với các cơn bão trong tương lai”, ông Khiêm nói.