Thời báo Hoàn cầu: Trung Quốc sẽ thắng nếu giao chiến với Mỹ tại các vùng biển lân cận

0:00 / 0:00
0:00
Các chỉ huy Mỹ, Nhật, Pháp và Úc chào cờ trong lễ khai mạc cuộc tập trận Jeanne D’Arc 21
Các chỉ huy Mỹ, Nhật, Pháp và Úc chào cờ trong lễ khai mạc cuộc tập trận Jeanne D’Arc 21
TPO - Một tờ báo Trung Quốc nói Mỹ "sẽ bị đánh bại" nếu giao chiến với nước này trong vùng biển lân cận.

Hồ Tích Tấn - Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, kêu gọi mở rộng quy mô quân đội Trung Quốc nhiều hơn để chống lại chiến lược ngăn chặn của Washington và buộc các đối tác quan trọng của Mỹ phải thay đổi thái độ.

Bài xã luận được đưa ra một ngày sau khi Tokyo bắt đầu tổ chức cho quân đội Mỹ, Pháp và Úc tham gia các cuộc tập trận chung đầu tiên của nhóm này trên đất Nhật Bản.

Các cuộc tập trận sẽ kéo dài đến hết thứ Hai tới, khi hải quân các bên sẽ tập trận ở Biển Hoa Đông.

"Mục đích của cuộc tập trận là nhằm gây áp lực với Trung Quốc và gửi tín hiệu rằng Mỹ và Nhật Bản có thể tập hợp thêm đồng minh để kiềm chế Trung Quốc", ông Hồ viết và cho biết thêm rằng ông cảm thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã và đang thử nghiệm phản ứng của Trung Quốc đối với chiến lược quốc phòng đa phương của Mỹ.

Bắc Kinh nên phản ứng bằng cách làm rõ khả năng chiến thắng Mỹ về mặt quân sự, nhân vật nổi tiếng của truyền thông Trung Quốc gợi ý.

Ông Hồ nói: “Với sức mạnh của Trung Quốc, chúng ta cần phải làm cho Mỹ ngày càng chắc chắn rằng nếu Mỹ tiến hành một cuộc chiến với Giải phóng Quân Nhân dân (quân đội Trung Quốc-PV) ở vùng biển xung quanh Trung Quốc, họ sẽ bị đánh bại”. Ông nói thêm, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc "đủ mạnh để áp đảo quân đội Mỹ và các đồng minh", trước khi ám chỉ "biện pháp răn đe hạt nhân" của chính Bắc Kinh nhằm vào Washington.

Ông đưa ra lời cảnh báo mà phía Mỹ mô tả là phong cách thời Chiến tranh Lạnh rằng nên mở rộng hơn nữa sức mạnh quân sự, kinh tế và công nghệ của Trung Quốc vì lợi ích an ninh quốc gia.

"Sự tăng trưởng sức mạnh của Trung Quốc sẽ dần dần làm tan rã chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, khiến các đồng minh của Mỹ thay đổi thái độ”, ông Hồ viết.

Sau sự suy thoái rõ rệt trong quan hệ Mỹ-Trung vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump, Thời báo Hoàn cầu đã gợi ý về mối quan hệ có khả năng hòa giải dưới thời ông Joe Biden và các cố vấn chính sách thời Obama của ông.

Tuy nhiên, một số bất đồng sâu sắc về các vấn đề Tân Cương và Hong Kong cùng một số chủ đề khác đã khiến mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên băng giá hơn bao giờ hết, mặc dù đôi bên đã quay trở lại hợp tác về biến đổi khí hậu.

Các nhà phân tích đã ví chính sách châu Á của ông Biden giống như sự tiếp nối chính sách "xoay trục" của chính quyền Obama và sự tập trung của ông Trump vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Chiến lược của Mỹ nhằm chống lại sự gia tăng ảnh hưởng và sự quyết đoán của Bắc Kinh vượt ra ngoài vùng biển ven biển của họ là một chiến lược liên quan đến chủ nghĩa đa phương và đan xen với vô số tranh chấp khu vực - tất cả đều liên quan đến Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, cuộc tập trận Jeanne D'Arc 21 sẽ tập trung chủ đề chiến tranh đô thị và hoạt động đổ bộ, bao gồm việc bảo vệ các đảo xa - một lĩnh vực ngày càng được Tokyo quan tâm trong bối cảnh hải quân và lực lượng tuần duyên Trung Quốc có những hành động quyết đoán xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan (Trung Quốc).

Chính phủ Trung Quốc đã đặt câu hỏi về sự tham gia của các quốc gia châu Âu như Pháp trong các cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Pháp có các lãnh thổ hải ngoại ở cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và duy trì sự hiện diện quân sự ở cả hai.

Tại cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Tư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng chỉ trích Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ Tứ) do Mỹ dẫn đầu, có sự tham gia của Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.

Bà Hoa ví Bộ Tứ như "một nhóm bè phái” nhằm "gieo rắc mối bất hòa" trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào năm 2018 đã mô tả Bộ Tứ là "bọt biển". "Họ có thể nhận được một số sự chú ý, nhưng sẽ sớm tiêu tan," ông nói.

MỚI - NÓNG