Giới chuyên gia nhận định JCPOA vẫn có thể được duy trì ngay cả khi Mỹ rút khỏi, bởi Liên minh châu Âu (EU) có đủ tầm ảnh hưởng về mặt kinh tế để thuyết phục Tehran tuân thủ thỏa thuận này.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu Hội đồng Thông tin An ninh Anh-Mỹ (có trụ sở tại Mỹ) Paul Ingram cho rằng JCPOA vẫn có thể được giữ vững ngay cả khi không có Mỹ, nếu như những bên còn lại gồm EU, Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc có thể hỗ trợ đủ để Iran tiếp tục duy trì và tuân thủ các nghĩa vụ của thỏa thuận, bất chấp cả những sự phản đối gay gắt nhất.
Ông Ingram giải thích: "Họ phải bù đắp được những thiệt hại về kinh tế mà Iran phải gánh chịu do Mỹ từ bỏ, đồng thời phải đối phó được với những lệnh trừng phạt mà Washington có thể áp đặt nhằm vào những công ty phương Tây, Nga và Trung Quốc làm ăn với Iran, trái với mong muốn của Mỹ".
Trong khi đó, chuyên gia Harald Mueller tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Frankfurt (có trụ sở ở Đức) nhận định nếu tiếp tục coi thường thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền Washington có thể sẽ rơi vào thế đối đầu với các đồng minh của Mỹ.
Theo ông Mueller, Chính phủ Mỹ sẽ phải đưa ra một lựa chọn khó khăn. Một là tiếp tục theo đuổi con đường dẫn đến sự đổ vỡ JCPOA, từ đó bước vào một "cuộc chiến kinh tế đầy cam go" với các nước đồng minh, phải chứng kiến những nước này bắt tay với 2 đối thủ là Nga và Trung Quốc, bên cạnh đó là những thiệt hại đáng kể về mặt kinh tế và chính trị.
Lựa chọn còn lại là chấp nhận thỏa hiệp và chịu mất mặt với những người ủng hộ cực đoan, cùng với đó là các đồng minh Arab và Israel.
Trong diễn biến liên quan, ngày 19/10, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khẳng định sẽ tiếp tục đẩy nhanh chương trình tên lửa đạn đạo của nước này bất chấp sức ép từ phía Mỹ và các nước châu Âu.
IRGC nêu rõ: "Chương trình tên lửa đạn đạo của Iran sẽ được mở rộng và sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh hơn nhằm đáp trả cách tiếp cận thù địch của Tổng thống Mỹ Donald Trump với tổ chức cách mạng này".