Một mối nguy lớn từ việc Trump từ chối công nhận Iran tuân thủ JCPOA là Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với tình cảnh bị cô lập, mất uy tín trước các đối tác quốc tế.
Trước khi ký kết, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh và Liên minh châu Âu (EU) từng chấp nhận tuân thủ lệnh cấm vận thứ cấp mà Mỹ áp đặt chống Iran để buộc Tehran chấp nhận đàm phán, vì tin rằng Mỹ có một tầm nhìn chiến lược rõ ràng và khả thi để kiềm chế chương trình hạt nhân mà nước cộng hòa Hồi giáo này theo đuổi.
Giờ đây, Washington sẽ phải đối mặt với trận chiến căng thẳng để có được sự ủng hộ quốc tế trong bước đi cứng rắn nhằm vào Iran. Nếu Mỹ không tạo được mặt trận thống nhất, lập trường của Iran sẽ càng được củng cố. Tệ hơn, Tehran có thể sẽ không tuân thủ triệt để JCPOA và có cớ để quy kết trách nhiệm này cho Mỹ.
Quyết định của ông Trump cũng có thể sẽ kích động những thay đổi trong nội bộ Iran. Phái ôn hòa muốn tiếp tục JCPOA gặp khó khăn trong việc thuyết phục dư luận trong nước, trong khi ngược lại, phái cứng rắn mà đứng đầu là Giáo chủ Khamenei sẽ có cơ hội để chứng minh cho giới chóp bu chính trị và dân chúng Iran thấy được rằng tuyệt đối không thể tin tưởng được vào Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng lời đe dọa trên sẽ không giúp Tổng thống Trump đạt được mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông. Giáo sư Mehran Kamrava thuộc Đại học Ngoại giao Georgetown (Qatar) nhận định, chính sách mới của Mỹ đối với Iran sẽ không thể ép Tehran từ bỏ các chính sách khác vốn khiến Chính phủ Mỹ "khó chịu".
Ông Kamrava nêu rõ: "Tôi không tin những mục tiêu đó sẽ có được những kết quả rõ ràng như Mỹ kỳ vọng, như Iran cắt đứt quan hệ với lực lượng Hezbollah, kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và thay đổi các mục tiêu chính sách đối ngoại của Tehran".
Trong khi đó, Đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Doug Macgregor cũng cảnh báo chính sách mới của Mỹ sẽ làm gia tăng đáng kể những nguy cơ xung đột quân sự với Iran - nước có thể được Nga hậu thuẫn.
Ông Macgregor, một nhà sử học và chiến thuật quân sự, nêu rõ Mỹ không ở vị thế quân sự có thể phát động chiến tranh toàn diện với Iran, nhất là khi Nga ủng hộ Tehran và các đồng minh trong NATO từ chối tham gia cùng Washington.
Do vậy, ông Macgregor khuyến cáo Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và thay vào đó là giảm dần và rút các lực lượng quân sự Mỹ khỏi Trung Đông.
Bên cạnh đó, việc Trump coi Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là “nhà bảo trợ” cho chủ nghĩa khủng bố cũng lại là cách tiếp cận sai lầm. Là một trong những đối tượng bị cấm vận ngặt nghèo nhất trên thế giới, nhưng IRGC trong lịch sử luôn có khả năng bành trướng vai trò đối với nền kinh tế Iran.
Về mặt chính trị, hành động của Trump thậm chí còn có thể giúp nâng cao hình ảnh, vị thế của IRGC tại Iran. Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng và vai trò của lực lượng này trong xã hội Iran. Chính Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố ủng hộ IRGC. Thái độ thù địch của Mỹ đối với IRGC sẽ cản trở đáng kể mục tiêu mà ông Rouhani theo đuổi nhằm hạn chế vai trò của lực lượng này trong nền kinh tế.
Iran hiện nổi lên là một thế lực trong khu vực, có ảnh hưởng rộng khắp ở Iraq, Lebanon, Syria, Yemen. Nếu để mất JCPOA, Mỹ có thể sẽ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Trung Đông. Giai đoạn leo thang căng thẳng Mỹ-Iran hiện tiềm ẩn nguy cơ có những tính toán sai lầm, mà hệ quả đi kèm sẽ là rất tai hại.