Thổ Nhĩ Kỳ dọa 'đóng băng' lộ trình gia nhập NATO của Thụy Điển, Phần Lan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quá trình gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan có thể bị chậm lại một năm nếu "họ tiếp tục dung túng cho các nhóm mà Ankara coi là khủng bố", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ - ông Akif Cagatay Kilic nói.

Ông Kilic nhắc lại rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối kết nạp Thụy Điển, Phần Lan vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "vấn đề lợi ích quốc gia quan trọng", và Ankara "sẵn sàng ngăn cản tư cách thành viên của họ trong thời gian một năm nếu cần thiết”.

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng Ankara "xứng đáng được tôn trọng hơn", vì nước này có quân đội lớn thứ 2 trong NATO, và đã cung cấp các máy bay không người lái giúp Ukraine tự vệ.

Giải thích việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh quân sự, ông Kilic cáo buộc cả hai quốc gia “chứa chấp các tổ chức khủng bố”.

Phần Lan, Thụy Điển quyết định từ bỏ vị thế trung lập và nộp đơn gia nhập NATO hồi giữa tháng 5 sau khi chứng kiến xung đột Nga – Ukraine bùng phát.

Tuy nhiên, lộ trình gia nhập của 2 quốc gia đã đi vào bế tắc sau khi Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối. Thụy Điển và Phần Lan - nếu muốn gia nhập NATO - cần phải có lá phiếu ủng hộ của cả 30 thành viên liên minh.

Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan “công khai tố cáo các nhóm mà Ankara cho là khủng bố” trước khi gia nhập NATO.

Ankara cũng muốn Thụy Điển và Phần Lan hủy bỏ các lệnh trừng phạt thương mại mà 2 nước đã áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc chiến ở Syria hồi năm 2019.

Cuối tuần trước, Thụy Điển ban hành một văn bản về chính sách đối ngoại, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải chống lại chủ nghĩa khủng bố, đồng thời gợi ý rằng Stockholm có thể nối lại việc bán vũ khí cho Ankara.

Trong chuyến thăm Thụy Điển mới đây, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin bày tỏ lo ngại rằng: “Nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề này trước hội nghị thượng đỉnh NATO cuối tháng 6 ở Madrid, có nguy cơ tình hình sẽ đóng băng".

Nữ Thủ tướng Phần Lan thừa nhận rằng Helsinki không biết tình hình hiện tại sẽ kéo dài bao lâu.

Dự kiến lãnh đạo các nước NATO sẽ nhóm họp tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha từ ngày 28 đến 30/6. Đơn xin gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu có khả năng sẽ được các nước thành viên thảo luận, cùng với tình hình ở Ukraine.

Theo RT
MỚI - NÓNG