Nguyên nhân của sự dị thường này là do biến đổi khí hậu (BĐKH) làm Trái đất nóng lên cả mặt đất, trên biển. Ở trên biển, lượng hơi nước bốc lên khí quyển nhiều hơn, độ ẩm không khí cũng cao hơn trước. Mặt đất nóng hơn nên các hoạt động đối lưu mạnh hơn trước, hình thành các khối mây khổng lồ, đặc biệt là xoáy. Trong điều kiện thời tiết nhiễu động như rãnh áp thấp, xoáy thuận nhiệt đới, vùng nhiễu động khí quyển có sự hội tụ rất lớn của các luồng không khí, tạo ra lượng mưa rất lớn.
Rãnh thấp gây mưa lớn ở khắp Bắc bộ, trọng điểm là Quảng Ninh đã tồn tại trước đó ở vùng phía nam Trung Quốc, gây mưa lớn. Khi di chuyển về miền núi, trung du phía Bắc, tiếp tục gây mưa lớn. Đây quy luật của BĐKH. Quy luật của BĐKH sẽ tiếp tục tạo ra những cực đoan của thời tiết như mưa lớn, hạn hán, rét đậm, rét hại và hậu quả sẽ ngày càng nặng nề hơn. Tuy nhiên, để xảy ra hậu quả nặng nề như ở Quảng Ninh thì không chỉ có thiên tai.
Việc phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn, làm giảm khả năng giữ nước, gia tăng trượt lở đất. Quảng Ninh là vùng khai thác than lớn nhất nước với rất nhiều bãi xỉ thải giống như những quả đồi. Kết cấu của các bãi thải này không vững chắc nên khi mưa xuống dễ tạo thành các dòng bùn thải chảy xuống.
Việc chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH lẽ ra phải được địa phương này đặt lên hàng đầu. Ở Quảng Ninh vừa rồi mới chỉ là mưa lớn, còn nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm khác có thể xảy ra cùng lúc như mưa lớn kết hợp với bão, mưa lớn kết hợp với triều cường, nước biển dâng do bão, gió mạnh. Khi ấy, mức độ nguy hiểm còn tăng lên nhiều lần. Vì thế, việc xây dựng các phương án phải cụ thể, chi tiết, nhiều tình huống.
Rõ ràng BĐKH không còn là vấn đề xa lạ mà đang hiện hữu từng ngày. Nhiều địa phương cũng đã hoặc sắp phải đối mặt thời tiết cực đoan như thế nên việc chủ động phòng chống là cấp thiết. Mỗi địa phương có những đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội nên phải xây dựng những phương án ứng phó BĐKH khác nhau từ thấp đến cao, từ ứng phó với một hình thái đến ứng phó cùng lúc với nhiều loại hình thái thời tiết nguy hiểm.
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ (Giám đốc Trung tâm Công nghệ khoa học khí tượng thủy văn và môi trường)