Khâu yếu nhất

TP - Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Cty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin (thuộc Tập đoàn Vinashin) được xác định tham nhũng 18,6 triệu USD, tính ra tiền Việt là gần 400 tỷ đồng.

Với số tiền tham nhũng lớn như vậy, nếu nghi can này bị chứng minh là có tội thì một án tử hình là hoàn toàn có thể. Trước đó, tòa phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên mức án tử hình đối với Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, và Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc Tổng Cty Hàng hải Vinalines.

Nhưng cả những bản án như vậy, cho dù cần thiết, thì đối với người dân, điều quan trọng hơn cả là tiền ngân sách, tiền dân bị tham nhũng có thu hồi được, thu hồi đầy đủ hay không và đây mới là mấu chốt của vấn đề. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn là thước đo tính hiệu quả, hiệu lực của công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tư pháp, thu hồi tài sản tham nhũng được nhận định là khâu yếu nhất, gây ra nhiều bức xúc cho xã hội, khiến người dân giảm lòng tin.

Cơ quan điều tra đã kê biên 40 bất động sản đứng tên người khác là tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt, nhưng với điều kiện thực tế hiện nay, để chứng minh đâu là tài sản do tham nhũng mà có, đâu là tài sản hợp pháp, căn nhà nào là tài sản của người khác, căn nhà nào do người thân đứng tên giúp và con đường đi của dòng tiền bẩn như thế nào quả không đơn giản. Trong các vụ việc gần đây, như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, tình trạng cũng tương tự.

Có chuyên gia trong ngành chống tham nhũng nhận định, chúng ta đã có đầy đủ cơ chế giám sát. Tuy nhiên, ngay cả chuyện kê khai tài sản hiện nay cũng phụ thuộc chủ yếu vào tính tự giác, tự kê, tự khai, tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, lãnh đạo, trong khi việc chứng minh nguồn gốc tài sản lại thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. 

Và pháp luật hoàn toàn bị “lương tâm, trách nhiệm” của đối tượng “bắt cóc làm con tin”. Hãy thử kiểm lại các vụ tham nhũng lớn, can phạm đều là cán bộ, đảng viên, nhưng trước khi bị bắt, bị phát hiện tham nhũng, có ai tự kê khai, đứng tên những tài sản “khủng” mà họ có được do tham nhũng không?

Hơn nữa, một trong những kẽ hở rất lớn trong cơ chế quản lý của chúng ta chính là không kiểm soát được các loại giao dịch trong xã hội. Thanh toán qua ngân hàng vẫn chưa trở thành điều bắt buộc.

 Nhà, đất, xe cộ, vẫn có thể giao dịch bằng tiền mặt. Vậy thì chuyện cha mẹ, anh em, cô dì chú bác đứng tên thay kẻ tham nhũng cũng là bình thường và cơ quan chức năng khó lòng thực thi pháp luật hiệu quả.

Do vậy, muốn chống tham nhũng tốt, ngoài những bản án nghiêm khắc dành cho kẻ phạm tội, nhiều điều luật và quy định cần được thay đổi và xây dựng mới.  

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.