Khói nhang sánh đặc lặng phắc thẳng hướng lên trời. Những người cùng đi, đứng lặng, gai người. Phía tít xa kia trên ngang dọc đường xương cá của dãy Trường Sơn, đâu như nghe rõ lắm tiếng của các anh các chị hòa vào gió núi rầm rì, rầm rì…Hương đã tàn từ lâu mà chúng tôi vẫn chôn chân đứng đó, trân trối nhìn vào khoảnh rừng trước mặt. Ám ảnh!
Nhà tưởng niệm không có mộ bia chỉ vươn cao một cụm tượng đài sừng sững. Mái nhà chung cho bao anh linh liệt sĩ, có mộ và không có mộ, có hài cốt và không còn hài cốt cùng tìm về.
Dằng dặc bao cuộc chiến tranh giữ nước, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương hòa vào núi sông tạo nên dáng hình Tổ quốc. Và Tổ quốc, dân tộc mãi tri ân công ơn họ. Những người đang sống đã và đang làm những gì có thể để hương hồn của hàng triệu người ngả xuống có thể mỉm cười nơi chín suối. Một chặng đường dài, miệt mài và không ít gian nan. Những day dứt, những trăn trở và cả những niềm đau như đang tỷ lệ thuận với thời gian sau cuộc chiến.
Theo tài liệu Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia có: 1,1 triệu quân nhân hi sinh; trong số đó có 300.000 quân nhân mất tích (chưa tìm được hài cốt); 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh. Lãnh đạo của Cục Người có công, Bộ LĐ-TBXH thông tin, hiện còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa có thông tin. Và suốt hơn 20 năm ( từ năm 1994) liên tục tiến hành các cuộc tìm kiếm, cả nước đã tìm thêm được gần 90.000 hài cốt liệt sĩ. Vẫn còn đâu đó khoảng 214.000 liệt sĩ trên những chiến trường xưa…
Những con số nhức buốt!
Có bao người mẹ, người cha, người con, người cháu mấy chục năm qua không kể nắng mưa bền bỉ, miệt mài dọc ngang các cánh rừng một thời là chiến địa với hi vọng mong manh tìm được di cốt người thân. Có hàng vạn gia đình thương bệnh binh cũng ngần ấy năm qua vật lộn với thương tật, bạo bệnh. Mấy thế hệ sau cuộc chiến quằn quại đớn đau với di chứng chất độc da cam…Hầu hết những người bước ra sau cuộc chiến đều nghèo và cận nghèo. Đất nước bước ra sau cuộc chiến đối mặt với khó khăn chồng chất, vất vả đi lên. Sự bù đắp những mất mát đau thương khó có thể làm được trong ngày một ngày hai. Cả dân tộc tựa vào nhau, chắt chiu, gom góp, san sẻ, tương trợ. Nỗi đau như dai dẳng, khắc khoải…
Nhiều năm qua, cứ đến dịp 27/7, đêm về hàng chục vạn phần mộ các anh hùng liệt sĩ bừng sáng lung linh ánh nến với sự chăm chút, tri ân của lớp lớp đoàn viên thanh niên. Những ánh nến ấy sẽ mãi lung linh theo dọc dài đất nước, bền bỉ qua tháng qua năm. Nơi nhà tưởng niệm như ngôi nhà chung của hàng chục vạn liệt sĩ hòa xương thịt mình và đất Mẹ, những bó hương rừng rực cháy, bảng lảng khói sương rưng rưng lan tỏa vào những cánh rừng xa…