Tư duy mới

Tư duy mới
TP - Một số tờ báo đưa tin sau kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức theo kiểu “hai trong một” nhận định rằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp “tuy đã giảm nhưng vẫn đạt trên 90%”, có nghĩa là “vẫn cao”.

Có lẽ ít quốc gia nào như ta, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp cao mà lại có vẻ ưu tư đến thế. Trải qua nửa chặng đường của một kỳ thi quốc gia, nhiều thứ âu lo, ưu tư của cả học sinh lẫn phụ huynh, lẫn những người trong ngành giáo dục nói riêng và quan tâm đến giáo dục nước nhà nói chung, vẫn còn đó. Trên các trang mạng, các tờ báo điện tử, phụ huynh và giáo viên được dịp bày tỏ sự hoang mang. Ngay cả giáo viên các địa phương cũng chẳng biết đâu mà lần, nói chi đến học sinh và phụ huynh. 

Người ta nói nhiều năm nay giáo dục Việt Nam khủng hoảng về đường hướng, về triết thuyết, nhưng qua kỳ thi này, có thể thấy không cần phải nói xa xôi tới mức ấy, mà ngay từ cách thức tổ chức giáo dục cũng đang rối như tơ vò. Một kỳ thi quốc gia đang lộ dần những lộn xộn mang tính hệ thống mà câu hỏi dần lộ diện dựa trên những gì đang diễn ra là sang năm kỳ thi sẽ lại được “đổi mới” tiếp tục ra sao, lứa học sinh kế tiếp lại phải chịu cảnh “chuột bạch thử nghiệm” theo dạng thức mới nào và đến bao giờ mọi thứ mới đi vào ổn định, nền giáo dục nước nhà mới thoát khỏi mớ bòng bong khoa cử?

Bởi vì 100% hay 90%, hay thấp hơn là tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp thì điều đó cũng không quan trọng bằng vấn đề liệu con số ấy có thực chất hay không, và ở mức nào là hợp lý, con số nào thì chấp nhận được? Có chuyên gia cho rằng con số thực chất chỉ nên là khoảng 50%. Con số này có thuyết phục hay không cần nhiều dữ liệu để xem xét nhưng có thể thấy ngay cả những người trong ngành giáo dục cũng chưa đồng ý và chưa cảm thấy bị thuyết phục bởi những con số mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra.

Và có lẽ kỳ thi sang năm, dựa trên những vấn đề nảy sinh trong kỳ thi “thí điểm” năm nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ có những điều chỉnh cho kỳ thi sang năm, cho dù ai đó sẽ phàn nàn lại một lứa học trò bị mang ra thử nghiệm tiếp. Nhưng kỳ thi mới, “đổi mới” tiếp thì lại có những vấn đề phát sinh bởi “sinh sự” thì” sự sinh”.

Hơn nữa, thi cử chỉ là một góc của bức tranh giáo dục, có thay đổi cách vẽ thế nào đi chăng nữa thì “chất” của bức tranh không vì thế mà thay đổi.

Cái giáo dục nước nhà cần hơn cả chính là một tư duy hoàn toàn mới về giáo dục.

MỚI - NÓNG