Nỗi buồn triệu đô

Trận Việt Nam-Man City. Ảnh: Như Ý
Trận Việt Nam-Man City. Ảnh: Như Ý
TP - Dư âm sau trận đấu trị giá tới 30 tỷ đồng giữa giữa đội tuyển Việt Nam và CLB Man City của nước Anh dường như nỗi buồn nhiều hơn niềm vui? Có nhiều lý do để lý giải cho hiện tượng này. 

Trước hết bởi một tỷ số quá chênh lệch tới 8-1, diễn biến trên sân thấy rõ một cuộc chơi hoàn toàn khập khễnh không cân sức giữa “gã tí hon” với “người khổng lồ”. Không ít người hâm mộ nước nhà cho rằng, thay vì mời đội hàng đầu thế giới hãy mời đội hàng đầu khu vực hoặc châu lục, hẳn chúng ta sẽ có một trận cầu sôi động. Vừa học hỏi được nhiều vừa đỡ tốn tiền (cho cả đơn vị tổ chức lẫn khán giả) lại vừa sức, biết mình đang ở đâu.

Đằng này tốn cả triệu đô mà vẫn kém vui. Từ cách tiết kiệm triệt để nụ cười, lạnh tanh đúng kiểu “phớt ăng- lê” của kẻ thượng phong tới sự chưng hửng của cổ động viên “trống rong cờ mở” đi đón “thần tượng” ở sân bay từ rõ sớm - tiếc là đón một đằng nhưng họ không hiểu vô tình hay cố ý mà lại đi một nẻo.

Thêm một điều nữa, không biết nên buồn hay vui? Đó là một số hãng tin và tờ báo xứ họ có ý chê thủ tục khai mạc trận đấu quá rườm rà, nhiều hoa và lắm diễn văn của ta. Cái này có lẽ họ có phần đúng bởi chính các cầu thủ và khán giả mới là những nhân vật chính của trận đấu triệu đô, chứ đâu phải mấy vị quan chức. 

Tôi từng có dịp dự khán một trận đấu trên sân vận động Signal Iduna Park – sân lớn nhất nước Đức của đội chủ nhà Borussia Dortmund. Thủ tục khai mạc diễn ra chóng vánh trong vòng có vài phút, không hoa, không diễn văn, chỉ có màn rước cờ của hai CLB. Đặc biệt trên sân vận động nổi tiếng châu Âu này, khu vực tốt nhất chính giữa khán đài A như ở ta, thay vì dành chỗ cho quan chức hay khách mời lại là khu dành riêng cho báo chí.

Từ phòng họp báo trước (và sau) trận đấu ngay phía sau, cánh báo chí có thể mang theo cả tách trà hay cà phê ra vị trí tác nghiệp đắc địa này để vừa ngồi xem trận đấu vừa tường thuật trực tiếp hay viết bài trên laptop gửi về tòa soạn. Hỏi một đồng nghiệp Đức, nhận được câu trả lời rằng, BTC ưu tiên tối đa cho phóng viên đồng nghĩa với việc coi khán giả - độc giả là đối tượng phục vụ hàng đầu.

Trong một nền bóng đá chuyên nghiệp, cổ động viên chính là “thượng đế”. Thiếu họ các CLB bóng đá không thể tồn tại. Chỉ nhìn cách cư xử với báo chí ở Signal Iduna Park, đủ biết quan điểm đó đã ngấm sâu và biến thành hành động như thế nào.

Trông người lại ngẫm đến ta, hy vọng nỗi buồn hôm nay rồi sẽ có niềm vui ngày mai của nền bóng đá chuyên nghiệp nước nhà.

MỚI - NÓNG