Thiên tai và nhân tai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung có cường độ nhỏ hơn nhiều so với cơn bão Noru trước đó, nhưng lại gây ra một trận đại hồng thủy lớn nhất Đà Nẵng từ trước đến nay.

Đêm 14/10, rạng sáng ngày 15/10/2022 là thời gian kinh hoàng với nhiều người Đà Nẵng khi chứng kiến trận đại hồng thủy lớn nhất lịch sử. Lượng mưa tính từ 1 giờ ngày 14/10 đến 1 giờ ngày 15/10 tại Trạm Đà Nẵng lên tới 697.6mm, tại Suối Đá là 775.2mm. Cường độ mưa lớn tới mức, chỉ trong 3 giờ lên tới 406.6mm, ít nhất 4 người chết do trận mưa lũ lịch sử này.

“Thông thường một chu kỳ La Nina thường kéo dài hai năm nhưng chu kỳ lần này đã bước sang năm thứ 3. Đây là một điều hiếm gặp”, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chia sẻ. Một chuyên gia nhiều năm làm việc trong lĩnh vực dự báo khí tượng thủy văn kể, diễn biến thời tiết hiện nay khó lường, vượt qua mọi kinh nghiệm dân gian tích lũy hàng nghìn năm. Trong tương lai hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều mà trận mưa lụt kinh hoàng ở Đà Nẵng chỉ là một ví dụ.

"Ông Trời" dường như ngày càng giáng đòn khốc liệt nhưng con người cũng làm cho thiên tai khốc liệt hơn. Khai thác tài nguyên quá mức, hồ chứa dày đặc trên thượng nguồn các dòng sông làm thay đổi quy luật dòng chảy, phá rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn. Quá trình đô thị hóa khiến nhiều cánh rừng mất đi, nhiều hồ ao bị san lấp, quy hoạch thiếu đồng bộ và liên tục thay đổi …đã góp phần làm gia tăng thêm tác động của thiên tai với cuộc sống.

Những năm qua, công tác dự báo thời tiết và phòng chống thiên tai được đặc biệt coi trọng, nhờ đó, giảm thiểu được nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, nói như nhiều chuyên gia, phòng chống thiên tai không chỉ đơn giản là khi có bão thì sơ tán người dân, lên kịch bản ứng phó. Phòng chống thiên tai phải được nhìn ở gốc rễ căn cơ hơn, sâu xa hơn với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp.

Vì vậy, kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 xác định lồng ghép 8 nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch. Ví dụ, liên quan đến đảm bảo không gian thoát lũ qua hệ thống đường bộ, đường sắt cần được lồng ghép vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và kế hoạch phát triển của ngành giao thông vận tải.

Liên quan đến phòng chống hạn hán, mặn, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất… cần được lồng ghép vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...

Liên quan đến bố trí dân cư, di dời những hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông… cần được lồng ghép vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn.

Nêu ra để thấy, muốn hạn chế thiệt hại của thiên tai có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều bộ ngành, các cấp chính quyền và mọi người dân phải tham gia. Nếu không quyết liệt, chúng ta sẽ phải gánh chịu ngày càng nhiều thiên tai thảm khốc mà trong đó có bóng dáng của nhân tai.

MỚI - NÓNG