Miền Trung gượng dậy sau mưa lũ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mưa lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang, người dân miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định lại cuộc sống.

Đà Nẵng: Bộ đội tiếp nước sạch bà con vùng mưa ngập

Ba ngày sau trận mưa ngập kinh hoàng, nhiều nơi tại Đà Nẵng vẫn chưa có nước sinh hoạt. Ngày 17/10, Tiểu đoàn Đặc công 409 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) mang nước tới cho người dân quanh khu vực đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu).

Chị Kim Anh (40 tuổi, sinh sống trên đường Mẹ Suốt) cho hay nhà chị có 3 đứa con nhỏ, nhiều ngày qua cả nhà phải chắt chiu từng giọt nước bình để nấu ăn, rửa mặt. “Cả ngày con tới trường còn đỡ, tối về quay quắt với việc tắm rửa, vệ sinh vì không có nước”, chị nói.

Miền Trung gượng dậy sau mưa lũ ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng (bên phải) kiểm tra hiện trường vụ sạt lở

Theo tìm hiểu, cuộc sống của nhiều hộ khác ở khu vực này cũng đảo lộn vì thiếu nước. Họ phải sống chung với bùn đất, rác rưởi hôi hám vì không thể xối rửa.

Thiếu tá Lê Quang Hiệp, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 409 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) cho hay, đã bơm nước từ bể ngầm của đơn vị, vận chuyển bằng xe bồn, xe tải tới cho bà con. Trong ngày 17/10 đã tiếp hơn 100 khối nước. Đơn vị cũng huy động các chiến sĩ bưng cõng nước vào tận nhà cho người dân, nhất là những hộ chỉ có người già, đau ốm…

“Nhờ các chiến sĩ mang nước tới tôi mới nấu cơm, dọn nhà cửa. Nếu những ngày tới chưa có nước, chúng tôi mong tiếp tục được tiếp tế”, bà Nguyễn Thị Ánh (ở đường Mẹ Suốt) bày tỏ.

Thiếu tá Lê Quang Hiệp cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục mang nước tới cho người dân nếu vẫn chưa được cấp trở lại.

TT-Huế: Dọn bùn đất chuẩn bị dạy và học trở lại

Ngày 17/10, nhiều vùng thấp trũng thuộc tỉnh TT-Huế vẫn trong tình trạng ngập lụt, hàng trăm trường học chưa thể hoạt động trở lại.

Miền Trung gượng dậy sau mưa lũ ảnh 2

Nước sạch được bộ đội mang tới cho bà con vùng ngập sinh hoạt. Ảnh: Thanh Trần

Trước đó, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài và hoàn lưu bão số 5, từ ngày 15/10, tất cả 569 trường học từ mầm non đến THPT trên toàn tỉnh được cho nghỉ học. Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế, đến ngày 17/10 (ngày đầu tuần), trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 238 trường học chưa mở cửa trở lại, do nằm ở vùng thấp trũng, cơ sở vật chất bị ngập, học sinh đi lại khó khăn không thể đến trường học tập.

Ghi nhận của PV ngày 17/10, tại xã Phú Lương (huyện Phú Vang), hệ thống giáo dục địa phương gồm 3 cấp học, với 1.090 học sinh từ mầm non đến THCS, vẫn tạm ngưng hoạt động. Tại xã giáp ranh là Phú Hồ, tình trạng ngập lụt tiếp diễn khiến 907 học sinh từ mầm non đến THCS chưa thể đến trường. Tranh thủ nước lũ rút chậm, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhiều trường học đã làm vệ sinh, thu dọn bùn đất, sắp xếp lại trang thiết bị, đồ dùng dạy học để sẵn sàng trở lại khi tình hình ổn định.

Tương tự, tại huyện “rốn lũ” Quảng Điền, tình trạng ngập lụt vẫn còn diễn ra ở một số nơi, gây khó khăn cho việc tổ chức dạy học của nhiều trường. Trên địa bàn vẫn còn 11 trường tiểu học (3.702 học sinh), 6 trường THCS (2.791 học sinh) chưa thể mở cửa hoạt động trở lại. Nhiều trường đã chủ động chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.

Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, cho biết, lãnh đạo huyện đã yêu cầu ngành giáo dục rà soát cơ sở vật chất cùng các điều kiện đảm bảo khác để tái tổ chức dạy học.

Ngày 17/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế phát công điện khẩn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương yêu cầu chủ động, sẵn sàng ứng phó với bão số 6; khẩn trương khắc phục thiệt hại mưa lũ.

Quảng Trị: Sạt lở bờ sông Thạch Hãn, sập nhà, 1 người tử vong

Khoảng 22h30 ngày 16/10, vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại bờ sông Thạch Hãn (đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), khiến nhà của ông Võ Lợi (45 tuổi, bác sĩ Thú y) bị đổ sập xuống sông.

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường, phối hợp cùng với các lực lượng có liên quan, tìm kiếm người mất tích. Do ngôi nhà bị đổ sập, lực lượng chức năng phải sử dụng các phương tiện khoan đục bê tông, dọn đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp.

Đến 6h5 sáng 17/10, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể ông Võ Lợi bị chôn vùi trong đống đổ nát. Vụ sạt lở đã làm sập 3 nhà dân, 2 quán kinh doanh.

Ngay trong sáng 17/10, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra hiện trường, thăm các gia đình gặp nạn do sạt lở bờ sông Thạch Hãn. Ông Đồng yêu cầu địa phương và các lực lượng chức năng khẩn trương di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, cắt cử lực lượng bảo vệ tài sản cho người dân.

“Thời gian tới, địa phương cần khẩn trương rà soát, kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh những khó khăn vướng mắc trong thực hiện di dời người dân ở khu vực này đến nơi tái định cư theo dự án đã được triển khai, sớm giúp người dân trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở ổn định nơi ở mới”, ông Đồng nói.

Ông Hà Sỹ Đồng cũng đã đi kiểm tra cơ sở hạ tầng khu vực tái định cư, yêu cầu lãnh đạo UBND thị xã Quảng Trị sớm tổ chức cuộc họp với các hộ dân thuộc diện di dời và các ngành, đơn vị liên quan nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án di dân tái định cư trên địa bàn xã Hải Lệ. Trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét sớm giải quyết.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn, hỗ trợ gia đình có người tử vong 10 triệu đồng, hai hộ dân bị ảnh hưởng mỗi hộ 5 triệu đồng.

MỚI - NÓNG