Phương án xử lý tình huống mới phát sinh
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay, Bộ và các địa phương sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thi tốt nghiệp THPT 2023 đã có chỉ đạo việc phối hợp giữa các bộ ban ngành cùng với Bộ GD&ĐT để triển khai đảm bảo an toàn nghiêm túc trong kỳ thi, trong đó nhấn mạnh sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an. Đây là đơn vị phối hợp với ngành giáo dục để đảm bảo an ninh, an toàn, đặc biệt là việc phòng chống gian lận công nghệ cao.
Thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Mạnh Thắng |
Theo ông Chương, Chỉ thị đã phân cấp rất rõ trách nhiệm cho địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi. Trong đó có 5 khâu quan trọng: in sao đề thi, chấm thi, công bố điểm thi, xét tốt nghiệp, tổ chức thi. Các tỉnh/thành phố đã có chỉ đạo cùng các văn bản hướng dẫn, tập huấn. Đoàn kiểm tra thực tế của Bộ vừa qua cho thấy cơ bản địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực cho kỳ thi, bắt đầu tập huấn công tác coi thi, chấm thi.
Tuy nhiên, ông Chương cho biết, Bộ GD&ĐT lưu ý Ban chỉ đạo thi tại các địa phương tập trung rà soát lại tất cả các khâu, nhất là khâu in sao đề thi, đảm bảo 3 vòng độc lập theo quy chế; kiểm tra lại các trang thiết bị phục vụ in sao đề thi để tránh tình huống như kỳ thi lớp 10 môn Toán của Sở GD&ĐT Hà Nội; rà soát đội ngũ cũ và mới, tập huấn kỹ quy chế thi để tránh sai sót xảy ra.
Năm 2023, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương bố trí 2.273 địa điểm thi, trên 44.600 phòng thi. Bộ GD&ĐT huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên đến từ 133 cơ sở giáo dục ĐH tham gia công tác thanh, kiểm tra, giám sát kỳ thi.
Về công tác coi thi, trước băn khoăn liệu có xảy ra tình trạng coi “chặt”, coi “lỏng” tại các địa phương? Ông Huỳnh Văn Chương cho biết, các sở GD&ĐT khi tập huấn quy chế thi cần quán triệt tinh thần thực hiện đúng quy chế, không nên sáng tạo đến cán bộ coi thi, những người có trách nhiệm trong khu vực thi. Trong đó cần lưu ý đến vấn đề xử lý tình huống trong quá trình coi thi.
“Trong các kỳ thi đều phát sinh tình huống mới và những tình huống đã có nhưng đôi khi người trong cuộc vẫn chủ quan. Do đó cán bộ coi thi mới hay cũ đều được tập huấn kỹ và không được chủ quan ở bất cứ khâu nào. Địa phương xây dựng các kịch bản phương án có thể xảy ra. Đặc biệt nếu có tình huống mới, không nên xử lý một mình, phải báo cáo điểm thi, báo cáo cấp trên để thống nhất phương án xử lý. Đây là phương án tốt nhất để xử lý những tình huống mới phát sinh”, ông Chương nói.
Phòng tránh rủi ro cho thí sinh và cán bộ làm thi
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, năm nay, tỉnh Thanh Hóa có tổng số hơn 36.400 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tại 75 điểm thi. Trong đó, có 22 điểm thi thuộc 11 huyện miền núi. 3 điểm thi cách xa trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 200-300 km gồm: Trường THPT Quan Sơn, THPT Quan Hóa và THPT Mường Lát.
Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, Thanh Hóa dự kiến huy động khoảng 6.200 người. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác coi thi cơ bản đảm bảo; đội ngũ cán bộ coi thi, thanh tra, lực lượng an ninh, y tế... đều được địa phương chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi.
Ông Thức cho hay, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tất cả các địa phương miền núi phải có ít nhất một hội đồng thi. Tỉnh quán triệt các điểm thi miền núi chuẩn bị chỗ ăn, nghỉ, lưu trú cho thí sinh, phụ huynh nếu có nhu cầu.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, dự kiến, khả năng những ngày thi sẽ có mưa lũ cục bộ. Do đó, lãnh đạo địa bàn các huyện miền núi, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh quán triệt đảm bảo an toàn cho cán bộ làm thi và thí sinh là ưu tiên số 1. “Các huyện miền núi của Thanh Hóa tương đối rộng và phức tạp. Chúng tôi khuyến nghị thí sinh dự thi nên lưu trú gần địa điểm thi trong suốt thời gian thi. Đồng thời cũng sẽ cập nhật thường xuyên dự báo thời tiết, cảnh báo những địa bàn, địa điểm có nguy cơ mưa lũ. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho cán bộ làm thi và thí sinh trong quá trình di chuyển, theo dõi và sẵn sàng ứng phó bởi một lực lượng chủ động, phù hợp”, ông Thức thông tin.
Đối với cán bộ do Bộ GD&ĐT điều động thanh tra, giám sát… sẽ được Sở GD&ĐT Thanh Hóa phối hợp với địa phương thông tin địa điểm thi, tình hình nơi ăn ở để có sự lựa chọn phù hợp. Các lực lượng thanh tra của Sở GD&ĐT cũng phối hợp chặt chẽ để lên kế hoạch, triển khai đồng bộ, hiệu quả, tránh chồng chéo.
“Mục tiêu bao trùm là tất cả các lực lượng được điều động triển khai hướng tới kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; tạo môi trường thuận lợi nhất để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, thí sinh làm bài tốt nhất, phản ánh đúng kết quả dạy và học của các cơ sở giáo dục nói riêng và cả tỉnh nói chung”, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nói.