Thi ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Thi ký hoạ về di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Thi ký hoạ về di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám
TP - Trong tháng 12, hàng trăm sinh viên chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật đổ về Văn Miếu-Quốc Tử Giám để thi ký họa về di tích quốc gia đặc biệt này.

“Nhiều du khách thích thú ngắm nhìn Văn Miếu qua nét ký hoạ của các bạn trẻ, chúng tôi nảy ra ý tưởng tổ chức cuộc thi ký hoạ về Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Đây là di sản quý giá, vì vậy chúng tôi nỗ lực để nơi đây thành không gian sáng tạo, trung tâm của các hoạt động văn hoá”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá- Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói.

Cuộc thi diễn ra từ 3-31/12/2020, dành cho sinh viên các trường đào tạo kiến trúc, mỹ thuật tại Hà Nội mà nòng cốt là các trường đại học: Xây dựng Hà Nội, Kiến trúc Hà Nội, Mỹ thuật Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội. Sinh viên cùng sáng tạo thông qua các tác phẩm ký hoạ về các công trình kiến trúc, hiện vật, cảnh quan… của di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. “Hy vọng cuộc thi không chỉ là sân chơi sáng tạo cho sinh viên yêu thích mỹ thuật, mà còn góp phần bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa Việt Nam,” ông Lê Xuân Kiêu nói.

Hà Nội là thành phố sáng tạo thứ 246 trên thế giới, thành viên Mạng lưới Thành phố sáng tạo UNESCO từ 2019 Ban tổ chức (BTC) kỳ vọng cuộc thi là một hoạt động hướng tới việc thực hiện các cam kết của Hà Nội với UNESCO khi gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo, cũng như khuyến khích giới trẻ tìm hiểu sâu hơn về di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Dự kiến tác phẩm nổi bật được trao giải và trưng bày vào giữa tháng 1/2021.

Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đánh giá sáng kiến thi ký hoạ “hay và thú vị”, vừa thúc đẩy giáo dục sáng tạo và tạo sân chơi để sinh viên có cơ hội thể hiện tài năng. BTC dự kiến trao 1 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải khuyến khích.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế, cố vấn nghệ thuật của cuộc thi đánh giá các tác phẩm dự thi là nguồn thông tin giúp khách tham quan hiểu về di tích một cách sống động và đa chiều hơn, cũng như truyền cảm hứng tới khách tham quan. “Tôi tin các thí sinh không chỉ biểu đạt những hình ảnh kiến trúc quen thuộc mà còn thể hiện cảm xúc và góc nhìn đa dạng ở những bậc thềm, mảng trang trí chạm khắc và các hoạt động diễn ra tại đây”, TS. Yên Thế nói.

MỚI - NÓNG