Thí điểm hợp nhất 3 văn phòng: Mới chỉ là cộng vào

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc
TP - Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng ban soạn thảo đề án trao đổi với PV Tiền Phong xoay quanh việc thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh.  

Khó nhất khâu giám sát, kiểm soát quyền lực

Trước khi xây dựng đề án thí điểm hợp nhất ba văn phòng, ban soạn thảo đã tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến tại ba miền trong cả nước. Vậy những khó khăn bất cập lớn nhất được các địa phương phản ánh là gì, thưa ông?

Việc hợp nhất ba Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm tinh giản đầu mối, biên chế và góp phần nâng cao hiệu quả bộ máy. Sau khi khảo sát báo cáo, đánh giá tác động cũng như điều kiện, khả năng hợp nhất, chúng tôi xây dựng đề án và tiến hành hội thảo tại ba miền Bắc - Trung - Nam. Khi tiến hành hội thảo, điều rất thuận là lãnh đạo các địa phương đi dự khá đầy đủ. Điều đó chứng tỏ họ rất quan tâm đến việc hợp nhất ba văn phòng này.

Trong quá trình triển khai cũng có nhiều ý kiến khác nhau, song cơ bản đều đồng tình với việc thực hiện. Vì khi nhập vào thì công tác phục vụ, quản trị sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến băn khoăn, nhất là việc phân định chức năng nhiệm vụ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp ở địa phương, đó là việc giám sát sẽ ra sao. Trước kia là độc lập, cơ quan này giám sát cơ quan kia thì không vấn đề gì.

Theo đề án, khi thí điểm sẽ giữ nguyên chức năng nhiệm vụ của ba cơ quan này, tức là chỉ cộng vào chứ chưa bỏ đi cái nào.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc

Bây giờ “về chung một nhà”, thì công tác phục vụ sẽ là một người, vừa tham mưu cho việc giám sát, đồng thời tham mưu cho việc thực hiện kết luận sau giám sát. Chính vì thế vẫn còn những ý kiến băn khoăn ở tính độc lập, khách quan. Thứ nữa là về vấn đề tổ chức, cán bộ, họ rất băn khoăn vì khi nhập vào chỉ còn một chánh văn phòng, các phó chánh văn phòng trước mắt giữ nguyên, nhưng theo lộ trình, phải duy trì số lượng theo quy định.

Những băn khoăn vướng mắc trên được giải quyết ra sao, nhất là ở khâu kiểm soát quyền lực, cũng như vai trò giám sát của HĐND?

Đây cũng là điều mà chúng tôi còn băn khoăn. Theo đề án, khi thí điểm sẽ giữ nguyên chức năng nhiệm vụ của ba cơ quan này, tức là chỉ cộng vào chứ chưa bỏ đi cái nào. Còn về tổ chức bộ máy, chúng tôi quyết định thành lập các phòng với hai phương án: Một phương án 7 phòng và một phương án 11 phòng, trong đó 10 phòng quy định cứng, còn 1 phòng để địa phương quyết định tuỳ theo điều kiện cụ thể.

Cả hai phương án đều có cả ưu điểm và khuyết điểm. Nếu như 11 phòng sẽ có phòng của HĐND, UBND và đoàn ĐBQH riêng, tuy nhiên cũng không được độc lập như cũ mà chỉ là độc lập tương đối thôi. Còn phương án 7 phòng thì hoà đồng với nhau. Phương án này có lợi ở chỗ sẽ giảm mạnh số phòng, song tính độc lập không có, vì cùng một phòng mà tham mưu hai nhiệm vụ chung.

Hay như vấn đề chức năng bộ máy, hiện Chánh văn phòng UBND đang là thành viên UBND, Chánh văn phòng HĐND là Thường trực HĐND. Để cho độc lập thì đề án quy định, chánh văn phòng chung sau hợp nhất không phải là Thường trực HĐND và thành viên UBND, mà chỉ là chủ nhiệm cơ quan chung, có nhiệm vụ tham mưu tổng hợp và phục vụ. 

Về số lượng phó chánh văn phòng, trước mắt được giữ nguyên và từ năm 2020 trở đi mới thực hiện giảm dần cấp phó này theo quy định. Có thể là 4 phó, riêng Hà Nội và TPHCM có thể thêm một. Còn về chánh văn phòng, đề án quy định có thể chọn một trong ba chánh văn phòng hiện nay, hoặc cũng có thể không chọn ai và lấy người ngoài vào. 

Khuyến khích xung phong thí điểm

Được biết đầu tiên dự kiến số lượng địa phương thí điểm hợp nhất là 15, sau rút xuống còn 10, vì sao?

Ban đầu chúng tôi đưa ra phương án từ 12 - 15 tỉnh, thành thí điểm hợp nhất. Nhưng sau hội nghị ba miền, các địa phương đề nghị cân nhắc, chỉ cần 10 tỉnh trải đều ba vùng miền là đủ và phù hợp. Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến này, và 10 địa phương thí điểm được lựa chọn theo tiêu chí trải đều vùng miền, khu vực, có thành phố lớn, có đô thị, nông thôn, để làm sao mô hình thí điểm đa dạng, phong phú các loại hình khác nhau.

Vì sao Hà Nội lại không nằm trong diện thí điểm lần này?

Vì đã có TPHCM rồi thì Hà Nội thôi, nhường cho các địa phương khác. Hai thành phố lớn đại diện một thành phố là được rồi, làm sao để mang tính chất phổ quát nhất. Ngoài 10 địa phương, chúng tôi cũng khuyến khích các địa phương khác xung phong tham gia thí điểm hợp nhất ba văn phòng. 

Khi lấy ý kiến, xem xét, có địa phương nào còn ngần ngại với việc thí điểm không?

Có chứ. Điều đó là không tránh khỏi. Bao giờ người thí điểm, xung phong cũng ít. Các địa phương có tâm tư nhưng họ cũng chấp hành. Vì đây không phải thí điểm rồi dừng lại, mà là để triển khai. Cho nên không làm trước thì làm sau thôi.

Cảm ơn ông.

Theo đề án, thời gian thí điểm hợp nhất từ 1/1/2019 cho đến 31/12/2019 sẽ tổng kết. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá sẽ sửa ba luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội. Đến 31/12, ba luật này chưa sửa xong thì sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi nào luật có hiệu lực.

10 địa phương dự kiến thí điểm gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang. Khi thực hiện hợp nhất 3 văn phòng sẽ giảm được 2 đầu mối cơ quan tương đương cấp sở ở mỗi địa phương; ít nhất sẽ giảm được 126 chánh căn phòng và 126 phó chánh văn phòng.

MỚI - NÓNG