Hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh: 'Ở chung' nhưng không cả nể?

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Tháp
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Tháp
TPO - Để ngăn ngừa tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, đại biểu Quốc hội cho rằng, khi sáp nhập ba văn phòng tham mưu cấp tỉnh, cần khắc phục tình trạng nể nang khi về “ở chung” để thực hiện nhiệm vụ cho tốt.

Thí điểm 12 - 15 tỉnh, thành

Văn phòng Quốc hội Ban soạn thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung.

Theo dự thảo đề án, số lượng dự kiến sẽ có khoảng 12 - 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm hợp nhất. Cụ thể là các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang.

Việc lựa chọn danh sách địa phương thực hiện thí điểm dựa trên nguyên tắc có tính đại diện cho các vùng, miền và xét theo đặc điểm của chính quyền địa phương: Chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo hay đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Đồng thời ưu tiên các địa phương chủ động có đề xuất được thực hiện thí điểm trước, những địa phương tích cực, năng động và sẵn sàng trong việc áp dụng mô hình mới; có trụ sở làm việc rộng rãi đủ để bố trí bộ máy Văn phòng chung ở cùng một địa điểm.

Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ ngày 01 tháng 10 năm 2018 đến hết ngày 28 tháng 2 năm 2020. Sau thời gian thí điểm sẽ báo cáo tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng để có cơ sở báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung 03 luật và tổ chức triển khai thực hiện vào nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong thời gian tổng kết, các tỉnh, thành phố trên vẫn duy trì thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng.

Đề cập đến vấn đề này, nhiều ý kiến còn băn khoăn có thể xảy ra bất cập khi sáp nhập, vì vừa tham mưu thi hành chính sách, sau đó lại tiếp tục tham mưu giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật. Điều đó dễ dẫn đến không khách quan và chất lượng, hiệu quả không cao, nói cách khác là “vừa đá bóng vừa thổi còi”

"Dĩ hòa vi quý"

Có cùng mối băn khoăn, trao đổi với PV Tiền Phong, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho rằng, khi ba văn phòng về “ở chung” có thể sẽ dẫn tới tình trạng dĩ hòa vi quý. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải khắc phục cho được tình trạng nể nang nhau để thực hiện cho đúng nhiệm vụ một cách khách quan, công tâm.

Để làm được như vậy, theo ông Hòa, sau khi hợp nhất, từng cơ quan văn phòng phải có nhiệm vụ riêng biệt, độc lập với nhau mới mang lại hiệu quả. Chẳng hạn với nhiệm vụ giám sát, phải giao cho phòng công tác đại biểu chịu trách nhiệm với người phụ trách, đề ra chương trình giám sát thực sự khách quan. Bộ phận đề ra chương trình giám sát cũng cần chủ động. Thậm chí, từng cá nhân, từng đại biểu cũng phải đề ra chương trình và giám sát có trách nhiệm.

Việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng nhằm giảm đầu mối, giảm biên chế và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ ở khối văn phòng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thiết lập bộ máy giúp việc chung cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan này trong giai đoạn hiện nay.

Kết quả của việc thí điểm hợp nhất các văn phòng tại một số địa phương trong cả nước sẽ là cơ sở để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

MỚI - NÓNG