TPO - Giếng thoát hiểm của đoạn đi ngầm tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội có kết cấu tròn sâu, đặt giữa ga Kim Mã và ga Cát Linh. Giếng có chức năng thoát hiểm cho đoạn ngầm trong trường hợp khẩn cấp và được nối với các đường hầm bằng 2 đường hầm thông nhau.
Hệ thống thông gió và điều hòa không khí trong ga ngầm rất phức tạp vì cần thông gió cho ga và đường hầm. Thông thường một ga có nhiều hầm thông gió, mỗi hầm thông với măt đất tại những vị trí khác nhau, gọi là giếng thông gió. Cần bố trí các giếng thông gió hợp lý để không phá vỡ cảnh quan.
Những công đoạn hoàn thành lồng thép của tường vây giếng đứng thoát hiểm và không khí đang được đội ngũ công nhân Fecon khẩn trương thi công, hoàn thiện trong công trường trên phố Kim Mã.
Thiết kế thoát hiểm, phòng cháy, chữa cháy được tính toán kỹ lưỡng, theo lưu lượng hành khách tại từng ga. Chiều rộng cửa, thang thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống bơm nước cứu hỏa riêng biệt, hệ thống báo cháy hiện đại
Khởi công tháng 9/2010, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đặt mốc hoàn thành vào tháng 9/2017 nhưng phải lùi tiến độ vì một số lý do. Đoạn đường trên cao đã chốt được thời gian vận hành chính thức vào tháng 4/2021, đoạn đi ngầm sẽ vận hành vào cuối năm 2022
Trong bối cảnh nhiều hoạt động tập trung đông người phải tạm dừng để phòng dịch COVID-19, Chính phủ đã ra chỉ thị cho phép các dự án giao thông được tiếp tục duy trì công nhân trên công trường để đảm bảo tiến độ xây dựng. Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch COVID-19 cho đội ngũ công nhân
Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được áp dụng công nghệ top-down (đào từ trên xuống dưới) trong thi công các ga ngầm. Theo công nghệ này, hệ thống trần và tường vây của công trình ngầm sẽ được xây bê tông cốt thép trước, sau đó đào móc lớp đất ở giữa để tạo ra không gian ngầm.
Những lồng thép sau khi hoàn thiện, sẽ được xe cẩu chuyển xuống lòng đất.
Trước khi hạ các lồng thép vào giếng đứng, các máy khoan chuyên dụng này sẽ khoan vào lòng đất với độ sâu 36m.
Các máy cẩu chuyên dụng sẽ đưa các lồng thép vào sâu trong lòng đất, công đoạn tiếp theo là đổ các khối bê tông đồng nhất.
Cận cảnh máy cẩu cạp đất tường vây Liebbherr HS855, gầu đào tường chuyên dụng 1000 mm, chiều sâu 42,2m.
Những khối đất liên tục được máy cạp đào và hút đất chuyển lên.
Những lồng thép của tường vây đã sẵn sàng đi sâu vào lòng đất.
Khoảng cách từ các trạm thiết bị thông gió trên mặt đất của thông gió đường hầm đến các phố và đường chính, các bến xe ô tô kín hoặc hở, các khu vực thương mại, và các cửa sổ của nhà dân và công trình không được nhỏ hơn 25 m; đến các trạm tiếp nhiên liệu cho ô tô, các kho chứa dầu và các sản phẩm dầu, khí đốt, vật liệu gỗ, đường dẫn khí và dầu, các hạng mục công trình chế biến dầu và công nghiệp hóa chất - không nhỏ hơn 100 m
Theo quy định an toàn của các ga ngầm, trung bình cứ 1km giữa các ga ngầm sẽ có 1 giếng đứng thoát hiểm và lưu thông không khí.