Thêm ban Tư vấn đạo đức, có chống được tiêu cực?
> Chủ tịch VFF: Sẽ không ngồi ghế nóng
> Chuyên gia Nhật chuẩn bị tái thiết V-League
> VFF giảm lương, hạ thưởng Tết
VPF vừa chính thức cho ra mắt ban Tư vấn đạo đức, với mục đích chính là giúp VPF, BTC các giải đấu chuyên nghiệp trong nước và Ban kỷ luật VFF trong việc phát hiện, phòng chống tiêu cực trong bóng đá nội.
7 thành viên trong ban Tư vấn đạo đức. |
Ban Tư vấn đạo đức của VPF có 7 thành viên, gồm trưởng ban – nhà báo Nguyễn Công Khế (nguyên TBT báo Thanh Niên), phó trưởng ban thường trực là ông Nguyễn Văn Vinh (cựu GĐKT CLB HA Gia Lai), phó trưởng ban Trần Văn Mui (cựu PCT VFF), cùng các ủy viên đều là dân báo chí là ông Quang Tuyến (báo Thanh Niên), ông Thọ Trung (báo Người Lao Động), ông Quang Huy (VTC) và ông Phan Đăng (báo CAND).
Mục đích của ban này sau khi ra đời theo như mong muốn của VPF là góp phần giúp BTC các giải đấu trong nước phát hiện và ngăn ngừa tiêu cực trên sân cỏ Việt Nam.
Để tăng hiệu quả làm việc cho ban Tư vấn đạo đức, VPF vạch rõ các công cụ để phát hiện tiêu cực của ban này gồm cả phản ứng từ phía dư luận, từ phía các chuyên gia bóng đá và nhất là từ giời truyền thông xung quanh các trận đấu “bốc mùi”, thay vì loay hoay với câu hỏi “chứng cứ đâu?” như những người làm bóng đá Việt Nam nhiều năm qua vẫn vấp phải.
Khi nhận thấy một trận đấu hoặc phát hiện thấy một bộ phận những người tham gia cuộc chơi có dấu hiệu không bình thường, ban Tư vấn đạo đức của VPF có thể tư vấn lên BTC các giải đấu, cũng như tư vấn với Ban kỷ luật của VFF về tính trung thực của trận đấu hoặc tính trung thực của những người tham gia cuộc chơi vừa nêu.
Đấy hoàn toàn là ý tưởng tốt của VPF trong việc làm trong sạch hóa bóng đá nội, tuy nhiên việc cho ra đời ban Tư vấn đạo đức có thực sự triệt tiêu được tiêu cực trong bóng đá Việt Nam hay không thì còn cần phải chờ thời gian trả lời.
Các hình thức tiêu cực trong bóng đá Việt Nam mỗi lúc một tinh vi, trong khi những người tham gia chống tiêu cực có sẵn sàng đụng chạm khi gặp vấn đề hay chưa lại là một câu hỏi cần có lời giải?
Về mặt này, tân ủy viên ban Tư vấn đạo đức Quang Huy (VTC) cho biết: “Anh Khế (ông Nguyễn Công Khế - PV) mời tôi vào đây và tôi nhận lời. Quan điểm của tôi khi làm việc là không ngại đụng chạm!”.
Trong khi đó, tân Trưởng ban Nguyễn Công Khế thì cho hay: “Ban Tư vấn đạo đức sẽ hoạt động dựa trên nguồn kinh phí tự vận động”. Sở dĩ ban Tư vấn đạo đức làm như vậy nhằm tăng tính khách quan, cũng như có sự độc lập trong các quyết định nhạy cảm liên quan đến các bộ phận tham gia vào giải đấu.
Ngoài chuyện góp phần giúp VPF phát hiện và ngăn ngừa tiêu cực, một nhiệm vụ khác của ban Tư vấn đạo đức là chấm điểm fair-play cho các đội bóng. Điểm sẽ được công bố hàng tháng để qua đó các CLB có sự điều chỉnh về cách ứng xử của mình, cũng như để VPF có căn cứ để có những phần thưởng mang tính khích lệ cho các đội bóng thể hiện tốt về tinh thần fair-play.
Theo Kim Điền
Dân trí