Thế nào là “nhảm”?

“Lạc trôi” phiên bản Brazil đang khiến fan Sơn Tùng thích thú.
“Lạc trôi” phiên bản Brazil đang khiến fan Sơn Tùng thích thú.
TP - Những ngày qua, dư luận băn khoăn với câu hỏi: Tại sao ca khúc trước 1975 cứ loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra đáp án hợp lí cho việc cấp phép, ngược lại những ca khúc nhảm nhí lại mặc sức tung hoành? Có gì bất công chăng? Thế nhưng, không ít khán giả trẻ phản biện lại: Hãy cho họ biết, ca khúc thế nào bị gắn “mác” nhảm?

Nhảm “đăng quang”?

Vấn đề ca khúc nhảm được xới lên tại Hội thảo về hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức mới đây. Có vị so sánh hiệu ứng giữa vở Opera “Lá đỏ” do Đỗ Hồng Quân dàn dựng chỉ có 2.000 lượt xem trên mạng trong gần nửa năm và  “Lạc trôi” của Sơn Tùng cán mốc 100 triệu view trong vòng hai tháng. Mà “Lạc trôi”, dưới góc nhìn của người có chuyên môn chỉ là ca khúc thuần túy giải trí: Bối cảnh mang màu sắc kiếm hiệp Trung Quốc, phần đệm sử dụng nhạc cụ dân tộc kết hợp âm thanh điện tử… So sánh này bị  nhiều độc giả bật lại: Mang một vở opera so sánh với nhạc trẻ là một sự khập khiễng, cho dù chỉ  so về hiệu ứng.

Lâu nay ở ta chức năng giải trí có vẻ lép vế so với chức năng nhận thức, chức năng giáo dục trong văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung. Song có một thực tế không chối cãi, ở thời bây giờ, giải trí  là một nhu cầu vô cùng cần thiết của “thượng đế”. “Nghe thấy vui và xả stress là được, bài hát ý nghĩa hay không có quan trọng gì”, có người nói. Cũng có ý kiến cho rằng: Ờ, thì nhảm. Nhưng nhảm có phạm pháp không, có vi phạm bản quyền không? 

Lại nhớ dạo nghệ sỹ bị tuýt còi vì ăn mặc phản cảm trên sân khấu. Người bị tuýt còi chưa hẳn đã tâm phục khẩu phục, (ngay cả khán giả cũng vậy). Đôi khi “thượng đế” thắc mắc: Tại sao cô này bị tuýt còi, còn cô kia lại không? Trong khi cả hai cô đều ăn mặc y như nhau. Có nghệ sỹ bào chữa: Bộ đầm cô mặc chẳng hở chi, lỗi tại ánh đèn sân khấu rọi vào mới thành ra phản cảm… Phần đông băn khoăn: Phản cảm khác gợi cảm ở chỗ nào?

Cũng có lúc người ta phân hài trên sóng truyền hình thành hai loại: Hài nhảm và hài sạch. Nhưng thế nào là hài nhảm, thế nào là hài không nhảm, xem ra cũng khá mơ hồ. Mơ hồ bởi chưa có bộ định giá khoa học, chỉ là phán quyết chủ quan. 

Vì thế bàn về ca khúc nhảm, cũng cần phải có những gạch đầu dòng căn bản để xác định: Thế nào là nhảm. Khi chúng ta còn loay hoay chưa tìm ra cách gỡ “vòng kim cô” hợp lí với mảng ca khúc trước 1975 thì việc đụng bài hát nhảm còn phức tạp hơn nữa. Khi chức năng giải trí được đề cao, là cơ hội để sản sinh ra rất nhiều bài hát chẳng có ý nghĩa gì vẫn được “thượng đế” tua đi tua lại. Vấn đề này không chỉ diễn ra ở nước ta mà trên thế giới cũng vậy.

Điển hình như Gangnam Style của Hàn Quốc, ca từ bị chỉ trích đơn điệu, vô nghĩa vẫn tạo nên “cơn sốt” một thời, đến nay đã đạt gần 3 tỷ lượt xem trên Youtube. Người ta từng điểm mặt một số bản hit tầm cỡ thế giới có nội dung gần như vô nghĩa khác: The Fox; Barbie Girl; Ice Ice Baby… Tuy nhiên, cũng không nên đánh đồng nhảm với dung tục. Bởi có những ca khúc lời luẩn quẩn, gần như vô nghĩa nhưng không dung tục. Ca khúc mang màu sắc dung tục dễ nhận diện hơn, thảm họa “Như cái lò” vừa qua là một ví dụ. Nhưng có khán giả cho rằng: Những ca khúc dạng “Như cái lò” cũng chẳng cần phải cấm đoán làm chi cho nhọc, vì chắc chắn nó tự chết yểu.

Thế nào là “nhảm”? ảnh 1 Hương Tràm trong “Em gái mưa” đình đám.

Nhu cầu bình thường hóa lời ca?

Định giá nhảm nhí khó tìm tiếng nói chung.  Bởi nhảm nhí trong mắt người này, chắc gì đã nhảm nhí trong mắt người kia? Ngay như những ca khúc của Sơn Tùng M-TP, ông Nguyễn Văn Cương, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Văn Hóa từng bày tỏ quan điểm: Cần phải nghiên cứu, chứ không đơn giản chê nhảm nhí hay nhạt nhẽo được.

Đừng nghĩ chỉ giới trẻ say nhạc Sơn Tùng. Vị phó tổng giám đốc tập đoàn Viettel đã “cứng” tuổi cũng  nổi linh đình với những clip hát lại ca khúc của nam ca sĩ này. Rồi các thầy cô ở một Trường THPT Chuyên của tỉnh nọ, còn hứng khởi đưa cả “Lạc trôi” vào đề thi môn ngữ văn. Mới đây, fan Sơn Tùng lại tự hào với “Lạc trôi” phiên bản Brazil cực giống bản gốc.v.v... Rõ ràng, số đông không có cùng nhận thức với người trong nghề, người làm công tác quản lí văn hóa.

Một trong những nhạc sỹ có phần lời ca khúc đẹp, chính là Trịnh Công Sơn. Trong khi Trịnh thích ví von: “Nắng có hồng bằng đôi môi em/Mưa có buồn bằng đôi mắt em”; “Ta mang cho em một đóa quỳnh/ Quỳnh thơm hay môi em thơm”… thì giới trẻ hôm nay hình như không khoái dùng các biện pháp tu từ khi sáng tác ca khúc. 

Thí dụ, câu chuyện ngôn tình “Em gái mưa” đang được cộng đồng mạng yêu thích, qua giọng ca Hương Tràm, lời bài hát như lời nói ngoài đời: “Mình hợp nhau đến như vậy thế nhưng không phải là yêu/Và em muốn hỏi anh rằng, chúng ta là thế nào/Rồi lặng người đến vô tận, trách sao được sự tàn nhẫn/Anh trót vô tình thương em như là em gái”.

Thích gọi tên sự vật, sự việc như là nó vốn thế, cũng có cái hay khi thoát khỏi rườm rà nhưng cũng kéo theo vô vàn sự dở. Đó là sự dễ dãi trong sáng tạo. Người người trở thành nhà thơ, thành nhạc sỹ, một phần cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này. Chưa bao giờ ca khúc ở ta lại bội thực tuyên bố “anh yêu em”, “em yêu anh” như thế! Yêu nhau mà cứ oang oang thì “các cụ” ưa “gặp đây mận mới hỏi đào” phê bình là phải!

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.