Mỹ nhắm Huawei, châu Âu khó xử

Ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng ảnh: Fox News
Ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng ảnh: Fox News
TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để cấm các công ty nước này sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài gây nguy cơ cho an ninh quốc gia, bước đi được cho là nhắm vào hãng công nghệ Trung Quốc Huawei. Áp lực lên các đồng minh ở châu Âu càng tăng thêm trong bối cảnh các nước phải tính lợi ích của chung và riêng.

Mỹ cho rằng Huawei, một trong những công ty lớn nhất Trung Quốc, có thể khiến các hệ thống hạ tầng công nghệ phương Tây bị do thám. Động thái mới của ông Trump diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang xấu đi sau vòng đàm phán không mang lại thỏa thuận.

Một số đồng minh của Mỹ, đáng chú ý là Úc và New Zealand, làm theo Mỹ khi hạn chế Huawei, còn những nước khác thận trọng hơn. Châu Âu vẫn đang chia rẽ chuyện có nên cấm Huawei khi hãng này đang đi đầu trong công nghệ 5G được đánh giá sẽ trở thành mạch máu của nền kinh tế.

Vấn đề Huawei là trọng tâm của mâu thuẫn giữa lợi ích an ninh và kinh tế khi liên quan đến Trung Quốc và ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhiều quốc gia trên thế giới chia sẻ ngờ vực của Washington đối với Bắc Kinh nhưng không sẵn sàng chịu tổn thất kinh tế nếu quay lưng hoàn toàn với Trung Quốc, CNN đánh giá.

Đầu tháng này, Thủ tướng Anh Theresa May sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson vì cáo buộc làm lộ tin cho báo chí rằng Anh đang chuẩn bị cấp phép cho Huawei tham gia phát triển mạng 5G của nước này.

Vấn đề Huawei đã bộc lộ những căng thẳng mới trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà May khi đảng này vẫn đang rối tung về chuyện Brexit. Bà May và phe của bà được cho là ủng hộ Huawei tham gia hạn chế vào phát triển mạng cho nước Anh. Những người khác trong đảng Bảo thủ muốn cấm Huawei hoàn toàn, giống như Mỹ.

Cần tiếng nói chung

Chuyện lợi ích thương mại sẽ trở thành trọng tâm sau khi Anh rời khỏi EU. Phe ủng hộ Brexit hy vọng quan hệ thương mại tốt hơn với Trung Quốc sẽ giúp bù đắp cho thiệt hại kinh tế của Anh sau khi nước này ra khỏi thị trường chung châu Âu.

Còn Huawei bác bỏ cáo buộc do thám, nói rằng việc đồng ý giúp Bắc Kinh do thám sẽ không khác gì hành động tự sát kinh tế. Chủ tịch Huawei Lương Hoa còn nói trong chuyến thăm London vừa qua rằng công ty này sẵn sàng ký thỏa thuận không do thám với chính phủ Anh.

Pháp cũng đang cảnh giác với Huawei, nhưng ít khả năng sẽ cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang kêu gọi các lãnh đạo châu Âu khác có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc, và ông có thể dùng động thái mới của ông Trump với Huawei làm phương tiện để thúc đẩy nỗ lực của mình.

Các nước châu Âu khác hoài nghi với Huawei hơn. Lục địa này là nhà của 2 đối thủ lớn nhất của Huawei trong cuộc đua 5G, đó là Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho đến nay vẫn khước từ nghe theo áp lực của Mỹ về Huawei. “An ninh, đặc biệt trong vấn đề mở rộng mạng 5G cũng như những lĩnh vực công nghệ số khác, là mối quan tâm lớn đối với chính phủ Đức. Nên chúng tôi tự xác định các tiêu chuẩn của mình”, Reuters dẫn lời bà Merkel nói gần đây.

Bà nói rằng chính phủ Đức sẽ thảo luận bất kỳ mối quan ngại nào với các đối tác châu Âu, cũng như Mỹ.

Nhưng áp lực có thể khiến bà thay đổi quan điểm khi tìm kiếm sự nhất trí của châu Âu. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Guardian tuần này, bà Merkel nói rằng Trung Quốc, Nga và Mỹ “nhiều lần ép chúng tôi phải tìm ra quan điểm chung. Điều đó rất khó vì lợi ích của các nước khác nhau. Nhưng chúng tôi phải làm”.

Hành động mới nhất của ông Trump, cũng như dấu hiệu sẽ có thêm những bước đi khác nếu quan hệ với Bắc Kinh không được cải thiện, có thể gây khó thêm cho nỗ lực tìm quan điểm chung của châu Âu. Trong bối cảnh châu lục này vẫn rối tung về chuyện Brexit và chưa tìm ra một chiến lược chung trong quan hệ với Trung Quốc, chưa rõ liệu EU có thể đạt được sự đồng thuận nào với Huawei hay không.

MỚI - NÓNG