Phái đoàn của Bộ Quốc phòng Nga do ông Victor Kalganov, Phó Giám đốc Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Nga dẫn đầu đã tới thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) vào ngày 12/12. Tại đây, phái đoàn của ông Kalganov gặp phái đoàn Triều Tiên, do Phó Tổng tham mưu trưởng chỉ huy chiến dịch Quân đội nhân dân Triều Tiên - Pak Ho Chol dẫn đầu. Các thành viên tham gia cuộc họp đã thảo luận về tiến trình thực hiện thỏa thuận liên chính phủ về việc ngăn ngừa các hoạt động quân sự có khả năng gây nguy hiểm. Ảnh: Rodong Sinmun
Trong bài phát biểu ngày 12/12, Ngoại trưởng Rex Tillerson đưa ra đề nghị mang tính đảo ngược chính sách ngoại giao của Mỹ, rằng Washington “đã sẵn sàng đàm phán bất kỳ lúc nào mà Bình Nhưỡng muốn đàm phán, đã sẵn sàng để có cuộc họp đầu tiên mà không có điều kiện tiên quyết.” Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lập tức nhận được sự hoan nghênh từ Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngay lập tức tuyên bố chính sách của nước này đối với Triều Tiên "không hề thay đổi". Nhà Trắng cũng bác bỏ đề xuất trên khi khẳng định Washington sẽ không đàm phán với Bình Nhưỡng trừ phi nước này thay đổi cách hành xử. Ảnh: AP
Ngày 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức cuộc họp báo tổng kết năm thường niên tại Moscow. Đây là cuộc họp báo cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin, thu hút 1.640 nhà báo tham dự. Tại đây, ông giải đáp nhiều câu hỏi về các vấn đề quan trọng trong nước và thế giới như tình hình tại Syria, mối quan hệ với Mỹ hay cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Đặc biệt, ông dành nhiều lời tốt đẹp cho người đồng cấp Mỹ Trump, cũng như nhận định về mối quan hệ giữa hai cường quốc trong tương lai. Tuy nhiên, ông Putin không đồng tình với chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, cảnh báo rằng, các động thái của Mỹ sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc. Người đứng đầu nước Nga cũng bác bỏ những cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, đồng thời trả lời nhiều câu hỏi về Iraq, Donbass – Ukraine và quan hệ Nga – Trung. Ảnh: AFP
Hôm 15/12, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin đã điện đàm theo đề xuất từ phía Washington, để thảo luận về các vấn đề cấp bách trong quan hệ song phương, cũng như tình hình tại một số điểm nóng trên thế giới. Phát biểu trước báo giới khi được hỏi về nội dung cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Trump cho biết trọng tâm của cuộc nói chuyện là tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vì “Washington đang hy vọng nhận được sự hỗ trợ về vấn đề này”. “Trung Quốc đang giúp đỡ chúng tôi, còn Nga thì không. Chúng tôi muốn có sự giúp đỡ từ phía Moscow”, ông Trump nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sáng 11/12 chính thức yêu cầu quân đội nước này rút khỏi Syria trong chuyến thăm bất ngờ đến căn cứ không quân Hmeymim (Syria). Nhà lãnh đạo Nga nói rằng, trong khoảng thời gian hai năm, kể từ cuối tháng 9/2015, quân đội Nga đã hậu thuẫn quân đội Syria trong việc “đánh bại các nhóm khủng bố quốc tế cứng đầu nhất”. Đợt rút quân đầu tiên bao gồm 25 máy bay (23 máy bay các loại và hai trực thăng Ka-52), cùng lực lượng cảnh sát quân đội, quân y và đội rà phá bom mìn. Tuy Nga tuyên bố cắt giảm quân ở Syria, nhưng các nhiệm vụ của số binh sĩ còn lại tại quốc gia Trung Đông này vẫn giữ nguyên. Các đơn vị phòng không, phòng thủ bờ biển và chống biệt kích vẫn tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ 2 căn cứ thường trực ở Latakia và Tartus. Ảnh: AP
Sáng 11/12, một vụ nổ bom được xác nhận là khủng bố đã xảy ra gần Quảng trường Thời đại (New York, Mỹ). Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm chính trong vụ việc, là nam thanh niên có tên Akayed Ullah (27 tuổi). Camera an ninh tại hiện trường cho thấy khi Ullah đang đi bộ dưới ga tàu điện ngầm vào lúc khoảng 7h20’ thì quả bom ống mà tên này gắn trên người bất ngờ phát nổ. Vụ nổ khiến Ullah và 3 người khác bị thương. Ullah khai với cơ quan chức năng rằng âm mưu tiến hành vụ tấn công được nhen nhóm từ các video tuyên truyền của IS. Theo Ullah, hắn thực hiện vụ tấn công này để trả đũa cho các hoạt động gần đây của Israel nhằm vào người Palestine theo đạo Hồi ở dải Gaza. Cơ quan điều tra bước đầu xác định nghi phạm mang theo ít nhất hai thiết bị nổ, trong đó có một thiết bị đã bất ngờ phát nổ sớm. Ảnh: Getty
Bốn chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản hôm 12/12 đã tham gia tập trận cùng hai máy bay ném bom B-1B của Mỹ, 6 chiến đấu cơ tàng hình F-35 và 4 chiếc F-18 trên vùng biển Hoa Đông, phía Nam bán đảo Triều Tiên. Đây được miêu tả là một trong những cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào Triều Tiên, bao gồm các máy bay Mỹ đến từ Nhật Bản và đảo Guam. Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) cho biết cuộc tập trận được tổ chức nhằm tăng cường hoạt động quân sự chung và nâng cao kỹ năng chiến đấu. Ảnh: Reuters
Ngày 11/12, Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc khai màn cuộc tập trận chung theo dõi tên lửa trong bối cảnh Triều Tiên có thể thử tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) bất cứ lúc nào. Đây là hoạt động quân sự ba bên Nhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc đầu tiên kể từ khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 hôm 29/11. Đồng thời, là cuộc tập trận chống tên lửa lần thứ sáu do ba nước tổ chức. Tham gia tập trận có tàu khu trục Seoae Ryu Seong Ryong Aegis của Hàn Quốc, tàu khu trục Stethem và Decatur Aegis của Mỹ, tàu Chokai Aegis của Nhật Bản. Nội dung tập trận bao gồm các bài tập phát hiện - theo dõi tên lửa phóng từ Triều Tiên dựa trên mô phỏng máy tính và chia sẻ thông tin liên quan giữa các bên. Ảnh: Yonhap
Ngày 14/12, hải quân Trung Quốc khai màn cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 4 ngày trên vịnh Bột Hải. Quy mô cuộc tập trận cũng như số lượng tàu chiến tham gia hiện vẫn chưa được công bố. Trước đó, một khu vực rộng khoảng 276km vuông ngoài khơi Lữ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc đã được phong tỏa để chuẩn bị cho các bài diễn tập, theo Cơ quan An ninh Hàng hải. Lữ Thuận là căn cứ hải quân quan trọng của Hạm đội Biển Bắc – đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Bột Hải và Hoàng Hải của Trung Quốc, nằm giáp bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 15/12 cho biết nước này sẽ mở đại sứ quán tại Đông Jerusalem sau khi các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhất trí công nhận vùng phía đông của thành phố Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo xem quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, là "không có hiệu lực pháp lý" và là "một sự hủy hoại các nỗ lực hòa bình", tạo cơ hội thúc đẩy "chủ nghĩa cực đoan và khủng bố". Ảnh: Reuters