Sự kiện diễn ra tại Văn Miếu 19h30 tối 9/4, nằm trong chuỗi hoạt động của chiến dịch Áo dài- Di sản Việt Nam ngót hai năm nay, vừa khẳng định chủ quyền vừa tôn vinh áo dài, mong nó trở thành biểu trưng của phụ nữ thời đại mới. Đơn vị tổ chức lần này là Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long- Tạp chí Tinh Hoa Đất Việt. Tổng đạo diễn: NTK Minh Hạnh.
15 NTK ba miền sẽ giới thiệu 15 BST áo dài lấy ý tưởng liên quan đến 15 nước. Các BST đều thực hiện trên chất liệu truyền thống là lụa và gai, cụ thể là lụa của Vietnam Silk House và vải Gai AP. Gai là chất liệu truyền thống bị lãng quên nay sống lại. Thậm chí Minh Hạnh phát biểu: “Chưa bao giờ Việt Nam có chất liệu đáng tự hào thế này”. Chất liệu truyền thống sẽ ghi thêm dấu ấn đậm nét về cội nguồn dân tộc của áo dài.
Tối 9/4 tới, hơn 600 bộ áo dài sẽ được trình diễn bởi hơn 400 người mẫu, đặc biệt có phu nhân các đại sứ Italia, Ấn Độ, Lào, Belarus. Và một số nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Trà Giang, NSƯT Thanh Tú, NSND Thu Hà, NSND Lan Hương, NSND Hoàng Cúc, NSND Minh Hòa. Ngoài ra có 100 học viên Học viện Phụ nữ, đội tuyển trống thiếu nhi Hà nội cùng 90 người mẫu TPHCM và Hà Nội.
Cũng tại họp báo 6/4, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam công bố bộ áo dài nhận diện của Hội, màu xanh da trời có họa tiết con chim bồ câu ngậm bông lúa. Bà Bùi Thị Hòa ngỏ lời cảm ơn NTK Minh Hạnh người sáng tạo mẫu áo dài nhận diện này, và không ngừng đeo đuổi công việc tôn vinh áo dài nhiều năm qua, nhất là vài năm gần đây.
Sau cuộc trình diễn 9/4, các NTK sẽ tặng lại 15 bộ áo dài cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. NTK Minh Hạnh dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm hai sự kiện nữa, để có thể đưa con số BST áo dài lấy ý tưởng các nước lên đến con số 100 và cũng sẽ tặng lại 100 bộ này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
15 NTK ba miền khai thác ý tưởng Thế giới trong áo dài Việt cụ thể có: NTK Huệ Thi mở màn bằng BST đậm chất Việt nam; NTK Trung Beret diễn đạt sự bình yên của đất nước Lào; NTK Trần Thanh Mẫn thể hiện tính hoàng gia sang trọng của Thái Lan; NTK Cao Duy vẽ những kỳ quan của đất nước Trung Quốc lên áo dài; NTK Ngọc Hân diễn tả đất nước Ấn Độ qua những hoa văn cung đình; NTK Trần Thiện Khánh chọn vẻ đẹp Hàn quốc; NTK Hà Duy mô phỏng kiến trúc Nhật Bản; NTK Trịnh Bích Thủy kể những câu chuyện thần thoại Hy Lạp; NTK Công Huân mạnh mẽ với nữ thần tự do nước Mỹ; NTK Lan Hương khai thác vẻ đẹp kiến trúc Đức; NTK Cao Minh Tiến say mê ngôn ngữ của Pháp; NTK Thanh Thúy nói về sự lãng mạn của Ý; NTK Phương Thanh diễn tả vẻ đẹp của Hà Lan qua hình tượng hoa Tulip; NTK Chu La giới thiệu vẻ đẹp văn hóa nguồn gốc Tây Ban Nha của mình; NTK Minh Hạnh thì say mê nền văn hóa vĩ đại của nước Nga.