Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Thượng tướng Valery Gerasimov cho biết: "Quân số tham gia các cuộc tập trận đã tăng lên 80.000 người và số lượng máy bay cũng tăng lên 220 chiếc". Ông Gerasimov còn cho biết các binh sĩ Quân khu miền Tây và Quân khu Trung tâm cùng máy bay quân sự cũng được huy động tham gia các cuộc tập trận.
Trước đó hôm 16/3, ông Putin đã ra lệnh tiến hành các cuộc tập trận với sự tham gia của hơn 40.000 binh sĩ tại các khu vực trên khắp đất nước, từ Bắc Cực tới vùng Viễn Đông cho đến khu vực Caucasus ở miền nam, đồng thời ra lệnh triển khai các máy bay ném bom hạt nhân tại Crimea một năm sau khi bán đảo này được sáp nhập vào Nga, theo RIA Novosti.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 19/3 cho rằng, Nga đã biến Crimea thành một trung tâm quân sự, trong đó có sự xuất hiện của tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Trả lời phỏng vấn EuroNews, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết: “Theo như tôi hiểu từ các tuyên bố của Tổng thống Nga, họ (các cơ quan chức năng của Liên bang Nga) đã thiết lập các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Crimea”.
Theo Tổng thống Poroshenko, hành động của Nga ở Crimea tạo ra “mối đe dọa xung đột quân sự ngày càng tăng ở khu vực Biển Đen”. (Xem chi tiết)
Ngày 19/3, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) đã cáo buộc cả lực lượng chính phủ Ukraine lẫn phe ly khai đều sử dụng bom chùm ở miền Đông nước này. HRW cho biết họ có bằng chứng cho thấy cả hai bên trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã sử dụng loại vũ khí này hồi tháng 1 và 2, khiến ít nhất 13 dân thường thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em.
Nhà nghiên cứu cấp cao của HRW Ole Solvang nói: "Việc sử dụng bom chùm cho thấy sự thờ ơ trước sinh mạng của người dân. Cả hai bên đều không nên sử dụng những vũ khí bị cấm sử dụng rộng rãi này. Các quả bom nhỏ chưa phát nổ gây nguy hiểm cho dân thường một thời gian dài sau cuộc tấn công".
Hơn 200 chính trị gia và quan chức của EU và Mỹ đã bị Moscow đưa vào danh sách các công dân nước ngoài có thể bị cấm nhập cảnh Nga. “Danh sách các công dân nước ngoài có thể bị từ chối nhập cảnh vào Liên bang Nga tương tự các danh sách đen ở EU và các nước NATO. Mỹ dẫn đầu với hơn 60 người trong danh sách”, tờ Izvestia của Nga đưa tin.
Trong danh sách của Nga bao gồm Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Harry Reid, Phó trợ lý của Tổng thống Mỹ Caroline Atkinson, các cố vấn Daniel Pfeiffer và Benjamin Rhodes, cùng các thượng nghị sĩ John McCain và Bob Menendez.
Phủ Tổng thống Tunisia ngày 19/3 thông báo đã bắt giữ 9 nghi can liên hệ với các tay súng đằng sau vụ tấn công bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis hôm 18/3 làm 21 người chết và hơn 40 người bị thương. Tuyên bố của Phủ Tổng thống nhấn mạnh: "Lực lượng an ninh đã bắt 4 đối tượng trực tiếp dính líu tới chiến dịch (khủng bố) và 5 đối tượng tình nghi có quan hệ với nhóm này".
Ngoài ra, Tunisia cũng sẽ triển khai quân đội tới các thành phố lớn sau khi xảy ra vụ tấn công trên. Tuyên bố của Phủ Tổng thống có đoạn: "Sau cuộc họp với lực lượng vũ trang, tổng thống đã quyết định quân đội sẽ bảo vệ các thành phố lớn".
Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 19/3 đã công bố các quy định mới chống khủng bố, theo đó cho phép nhà chức trách theo dõi liên lạc qua điện thoại di động và Internet của những đối tượng nghi là phần tử thánh chiến. Thủ tướng Valls nhấn mạnh nước Pháp chưa bao giờ phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố lớn như hiện nay, vì vậy không thể để có một khu vực không có pháp luật trong không gian kỹ thuật số.
Ông nêu rõ các quy định mới có thể gây quan ngại, nhưng trách nhiệm của chính phủ là ngăn chặn khủng bố với cách hiệu quả nhất có thể, theo đó các cơ quan chức năng phải có quyền hạn để phản ứng nhanh chóng.
Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio nói chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp chống khủng bố và làm hết khả năng để đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản ở nước ngoài. Phát biểu tại một ủy ban của Thượng viện hôm 19/3, ông Kishida nói ông rất căm phẫn trước hành động hèn hạ của khủng bố. Ông nói, Bộ ngoại giao sẽ tăng cường các biện pháp chống khủng bố, tăng cường ngoại giao vì sự ổn định và thịnh vượng của Trung Đông, và giúp đỡ xây dựng một môi trường để chủ nghĩa cực đoan không thể phát triển trong xã hội.
Ngày 19/3, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy hợp tác để sớm triển khai cơ chế liên lạc giữa giới chức quốc phòng hai nước nhằm tránh các vụ đụng độ ngoài ý muốn hay các sự cố bất ngờ xảy ra trên biển cũng như trên không. Hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong cuộc đối thoại an ninh song phương lần đầu tiên kể từ tháng 1/2011, giới chức ngoại giao và quốc phòng hai nước đã nhất trí cần tổ chức cuộc đối thoại hàng năm nhằm giảm căng thẳng liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền trên biển Hoa Đông.
Một nguồn tin cấp cao trong cơ quan quốc phòng Nga ngày 19/3 cho biết, Moscow sẽ sớm khởi động dự án phát triển máy bay vận tải siêu nặng có tốc độ siêu thanh. Nguồn tin cho biết, một biên đội máy bay loại này có thể chở được 400 xe tăng Armata đến bất kỳ điểm nóng nào trên thế giới trong vòng 7 giờ đồng hồ mà không cần tiếp nhiên liệu. Dự án này có tên PAK TA (tổ hợp hàng không vận tải quân sự tương lai).
Theo phác thảo ban đầu, mỗi máy bay loại này có thể bay được quãng đường 7.000 km mà không cần tiếp dầu, mang được 5 xe tăng hạng nặng và một số hệ thống phòng không tầm trung đi kèm để bảo vệ biên đội xe tăng cùng các thiết bị cần thiết khác.
Ukraine không thể sống mà không có khí đốt từ Nga và sẽ không thể làm đầy kho dự trữ khí đốt của mình bằng khí đốt từ EU, ngay cả trong trường hợp lý tưởng có thể tải nó lên đến mức tối đa, đại diện chính thức của Ủy ban châu Âu cho biết. "Bây giờ có các tuyến đường ống dự trữ cung cấp khí đốt cho Ukraine thông qua Ba Lan, Slovakia và Hungary. Lượng khí chảy ngược tới Ukraine chỉ thông qua Slovakia, tuyến đường ống qua Ba Lan và Hungary bây giờ không làm việc. Thậm chí nếu trong kịch bản lý tưởng sử dụng hết công suất tiềm năng, Ukraine cũng không thể nhận được đủ khí đốt để làm đầy các cơ sở dự trữ khí đốt của họ trong tháng Mười, lên đến mức 19-20 tỷ mét. Do đó, cần có nguồn cung cấp từ Nga và tiếp tục đàm phán về các điều kiện nhập khẩu"- Ủy ban châu Âu cho biết. Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, Ukraine thiếu khoảng 2,6 tỉ USD để mua khí đốt làm đầy các cơ sở dự trữ trong mùa hè sắp tới.