THẾ GIỚI 24H: Nga không thương lượng về Crimea

THẾ GIỚI 24H: Nga không thương lượng về Crimea
TPO - Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, chính quyền Moscow không có ý định thảo luận vấn đề Crimea với bất kỳ ai, kể cả Washington. 

“Trong trường hợp này, tôi sẽ không muốn phản hồi trực tiếp với họ. Không hề có chuyện Crimea bị chiếm đóng. Crimea là một phần của Liên bang Nga và vấn đề lãnh thổ quốc gia, Nga không cần phải thương lượng điều này với bất kỳ ai”, ông Peskov nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 16/3, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã buộc tội Nga đàn áp dân tộc thiểu số ở Crimea và cam đoan sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moscow vì Washington không công nhận cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ở Bán đảo Crimea một năm trước. Bà Psaki cũng đã tuyên bố: “Những lệnh trừng phạt liên quan đến Crimea sẽ còn kéo dài đến chừng nào Nga vẫn duy trì sự chiếm đóng khu vực này”, theo RIA Novosti.


Ngày 17/3, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết, lực lượng an ninh thành phố Konstantinovka, tỉnh Donetsk, đã nhận được lệnh nổ súng trong trường hợp tình hình bất ổn hơn nữa. Kênh truyền hình 112 Ukraine dẫn lời cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cảnh báo: "Nếu người nào ở Konstantinovka cầm súng chống lại pháp luật của chính quyền Ukraine, lợi dụng vụ tai nạn gây gổ, đụng độ, trước hết sẽ có phát súng cảnh cáo và sau đó là phát súng gây thương tích", theo Vietnamplus.


Trong buổi họp sáng 17/3, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề nghị binh sĩ sau khi giải ngũ cần có nghĩa vụ phục vụ trong lực lượng dự bị. Đề nghị trên thuộc dự thảo luật “Chế độ quân dịch và nghĩa vụ tòng quân” được Tổng thống Ukraine gửi tới Quốc hội Ukraine, thông tin trên sau đó được đăng tải trên trang Twitter cá nhân của ông P. Poroshenko.

“Dự luật do Tổng thống đề xuất có tác dụng duy trì lực lượng dự bị đặc biệt trong các thời điểm cần thiết”, trích thông báo trên trang Twitter của Tổng thống Ukraine. Theo lời ông P. Poroshenko, dự luật mới sẽ tạo “nguồn cung và nguồn dự trữ hiệu quả” đối với quân đội Ukraine.


Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nhóm họp vào ngày 21/3 tới tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Cuộc gặp lần đầu tiên sau gần 3 năm được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho việc khôi phục cơ chế hợp tác giữa ba nước. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba quốc gia láng giềng ở châu Á, có những mâu thuẫn xung quanh vấn đề lịch sử trong thời kỳ chiến tranh.

Ngoài ra, cả ba nước cũng đang có những tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 17/3 nêu rõ: “Cuộc gặp này là lần đầu tiên trong khoảng 3 năm qua, kể từ tháng 4/2012, và được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho việc khôi phục cơ chế hợp tác giữa ba nước”, theo Reuters.


Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel ngày 17/3 đã bác bỏ sự phản đối của Trung Quốc đối với việc triển khai hệ thống tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc, khẳng định chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên gây ra “mối đe dọa đáng kể”. Phát biểu trên của ông Russel (đang ở thăm Seoul), được đưa ra sau khi Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Kiến Siêu hôm 16.3 bày tỏ lo ngại về ý tưởng triển khai hệ thống phòng thủ của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Trước đó, trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng đã có phản ứng tương tự. Bắc Kinh coi hệ thống trên được thiết kế nhằm kìm hãm sức mạnh quân sự của họ. “Tôi thấy kỳ lạ khi một nước thứ ba đánh bạo đưa ra phản ứng mạnh mẽ về một hệ thống an ninh chưa được lắp đặt và vẫn là vấn đề lý thuyết”, ông Russel nói với báo giới sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Kyung-soo.


Tổng thống Barack Obama cho rằng, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là hậu quả không lường trước của việc Mỹ đem quân tới Iraq dưới thời Tổng thống Bush. “IS là một nhánh của Al-Qaeda ở Iraq phát triển sau khi chúng ta đem quân tới đất nước này”, ông Obama nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tinVICE  “Đây là ví dụ về hậu quả không lường trước của chiến tranh và đây là lý do chúng ta phải có mục tiêu trước khi hành động”.

Tổng thống Obama cho biết ông “tự tin” rằng liên minh 60 nước “sẽ từ từ đẩy lùi IS ra khỏi Iraq, nhưng ông cũng nói thêm là thách thức này sẽ không dừng lại trừ khi có một giải pháp chính trị giải quyết những xung đột nội bộ, đang ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia ở Trung Đông.


IS ngày 17/3 đã công bố những bức ảnh hành quyết 4 người đàn ông tuyển mộ quân cho lực lượng ủng hộ Chính phủ Iraq. Các bức ảnh cho thấy 4 người đàn ông mặc quần áo đen, quỳ gối ở một con phố vắng, bên cạnh các tay súng đứng cầm dao.Theo những dòng chữ kèm theo các bức ảnh này, vụ hành quyết diễn ra tại ra tại Salaheddin, tỉnh miền Bắc Iraq, nơi đang diễn ra những cuộc giao tranh hết sức khốc liệt giữa quân đội chính phủ và IS.


Ngày 17/3, khủng bố IS tấn công một bệnh viện ở Libya và bắt cóc 20 nhân viên y tế nước ngoài làm con tin. Theo CNN, nhà chức trách Libya cho biết 30 tay súng IS xông vào bệnh viện Ibn Sina ở Sirte và bắt cóc các nhân viên y tế nước ngoài, bao gồm các công dân Philippines, Ukraine, Ấn Độ và Serbia. Các nạn nhân bị bắt ngay trước khi lên xe buýt để đi tới thủ đô Tripoli vì tình hình an ninh Sirte ngày càng xấu đi.

Các quan chức bệnh viện Ibn Sina cho rằng có thể IS bắt các nhân viên y tế này vì cần chuyên gia chữa trị cho các tay súng đang bị thương của chúng. Vài ngày trước, phiến quân IS cũng bắt cóc một số công dân Philippines, Áo, CH Czech, Ghana và Bangladesh ở mỏ dầu Al-Ghani cũng tại Libya.


Tình hình sức khỏe của Thủ tướng Singapore đầu tiên, ông Lý Quang Diệu, đang chuyển biến xấu, Văn phòng Chính phủ Singapore cho biết hôm 17/3. Ông Lý Quang Diệu phải nhập viện từ ngày 5/2 vì viêm phổi nặng và phải dùng máy trợ thở tại một bệnh viện ở Singapore.

“Tình hình sức khỏe của ông Lý Quang Diệu trở nên tồi tệ hơn vì nhiễm trùng. Ông đang trong quá trình điều trị bằng kháng sinh. Các bác sĩ cho biết họ đang xem xét kỹ lưỡng tình hình sức khỏe của ông”, Văn phòng Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết. Ông Lý Quang Diệu, người sáng lập ra một Singapore hiên đại, đã bước sang tuổi 91 vào tháng 9/2014, được biết đến với những đóng góp to lớn cho nền kinh tế của Singapore.


Mỹ lại một lần nữa chạm trần nợ công chính phủ vào ngày 16/3 (giờ Washington) và chính phủ có thể ngừng hoạt động nếu các nhà làm luật Mỹ không nơi rộng hạn mức vay nợ công. Theo tính toán, tổng các khoản nợ công của chính phủ Mỹ tính tới thời điểm hiện tại đã đạt 18.100 tỷ USD.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew tuyên bố, ông đã phải ban bố một số quyết định liên quan tới sự kiện chạm trần nợ công mới của chính phủ, trong đó có việc dừng phát hành trái phiếu chính phủ đang được cơ quan nhà nước Mỹ phát hành.

Ngày 15/2/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng ký đạo luật gia hạn trần nợ công của nước này tới tháng 3/2015. Vì vấn đề này lưỡng viện Quốc hội Mỹ từng xảy ra khúc mắc. Hạ viện do đa số nghị sĩ Đảng Cộng hòa kiểm soát đã từ chối thông qua dự luật nới trần nợ công và yêu cầu Tổng thống Mỹ cần thay đổi chính sách Obama care liên quan tới vấn đề cải tổ chính sách bảo hiểm y tế bắt buộc.

MỚI - NÓNG