The Wall Street Journal đưa tin này dựa theo dữ liệu của các đại diện NATO và Mỹ, trong đó khả năng các bộ trưởng quốc phòng của các nước NATO sẽ thông qua quyết định này tại cuộc họp vào tuần tới. Nhóm quân này sẽ tập trung ở Lithuania, Latvia, Estonia và Ba Lan. Kế hoạch gia tăng lực lượng NATO ở châu Âu có quy mô lớn nhất trong thời gian sau Chiến tranh Lạnh. Mục đích tăng cường sườn Đông của liên minh được giải thích bởi sự lo ngại trước các hành động của Nga, đặc biệt, việc Nga sáp nhập Crimea.
Để theo dõi tên lửa của Triều Tiên sau khi phóng, Hàn Quốc đã triển khai các thiết bị giám sát, trong đó có tàu khu trục được trang bị Aegis, radar phòng thủ tên lửa Green Pine cũng như máy bay giám sát và cảnh báo sớm Peace Eye. Hai tàu khu trục Aegis được tích hợp radar SPY-1D đa chức năng có thể phát hiện và theo dõi tên lửa đạn đạo bay từ 1.000 km. Trong khi đó, radar Green Pine với vùng phát hiện khoảng 500 km có thể giám sát tất cả tên lửa từ Triều Tiên trong 24h/ngày.
Cơ quan Cứu hỏa và Quản lý thảm họa của Nhật Bản (FDMA) đã tiến hành một cuộc diễn tập hệ thống có thể được sử dụng để báo động nhà chức trách địa phương về một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng một vệ tinh lên quỹ đạo trong khoảng thời gian từ ngày 8 - 25/2.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini khẳng định EU đã "sẵn sàng" cho việc can thiệp quân sự tại Libya nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Điều kiện cho kịch bản này là việc các phe nhóm ở Libya phải đạt được thỏa thuận về một chính phủ thống nhất.
Điện Kremlin cho biết, Nga sẽ không né tránh các lộ trình chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Syria, song vẫn tuyên bố rõ rằng Moscow sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Chính phủ Syria. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Trong khuôn khổ khung quốc tế chung, Nga kiên quyết nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình và chính trị cho tình hình ở Syria."
Ngày 6/2, đại diện của các nước Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu vòng ba cuộc họp 4 bên tại thủ đô Islamabad của Pakistan nhằm thảo luận về cách thức đem lại hòa bình và hòa giải cho Afghanistan. Cố vấn của Thủ tướng Pakistan về đối ngoại Sartaj Aziz cho rằng những nỗ lực chung trong giai đoạn này, trong đó có các biện pháp xây dựng lòng tin, sẽ giúp thúc đẩy Taliban tham gia tiến trình hòa bình, dẫn đến giảm đáng kể các vụ bạo lực do nhóm phiến quân này gây ra.
Ngày 6/2, một vụ đánh bom liều chết đã làm ít nhất 8 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương ở khu vực tỉnh Balochistan, phía Tây Nam Pakistan. Nguồn tin dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Pakistan Anwar Kakar cho biết, kẻ đánh bom liều chết đã đi trên một chiếc xe đạp và sau đó lao thẳng vào một chiếc xe đặc chủng thuộc Lực lượng quân đoàn biên giới bán quân sự ở Quetta, thủ phủ của tỉnh Balochistan. Nạn nhân thiệt mạng gồm 2 nhân viên an ninh và 6 dân thường. Hiện chưa có nhóm vũ trang nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này.
Ngày 6/2, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara có thể duy trì "chính sách biên giới mở" đối với người di cư, song không cho biết thời điểm nào những người tị nạn Syria tại biên giới được phép vào nước này. Ông Cavusoglu nói: "Chúng tôi vẫn duy trì chính sách biên giới mở cho những người phải rời bỏ quê hương ra đi do chiến tranh hoặc xung đột. Chúng tôi đã tiếp nhận 5.000 người và hiện còn 50.000-55.000 người đang trên đường vào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi không thể bỏ rơi họ trước các cuộc xung đột".
Ngày 6/2, phong trào "Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hoá phương Tây" (Pegida) đã huy động đông đảo lực lượng chống Hồi giáo và chống nhập cư tại 13 thành phố ở châu Âu tham gia vào các cuộc tuần hành phản đối người nhập cư và Hồi giáo. Các cuộc tuần hành, tập hợp lực lượng sẽ diễn ra tại 13 thành phố gồm Dresden (Đức), Amsterdam (Hà Lan), Praha (CH Séc), Tartu (Estonia), Dublin (Ailen), Birmingham (Anh), Bratislava (Slovakia), Wroclaw và Krakow (Ba Lan)..., trong đó cuộc tuần hành chính diễn ra tại thành phố Dresden, "thủ phủ" của Pegida với dự kiến 15.000 người tham gia.
Cơ quan y tế Nigeria ngày 6/2 xác nhận, trong vòng 7 tháng qua, ít nhất 101 người dân nước này đã tử vong do sốt virus Lassa. Nguồn tin dẫn một báo cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Nigeria (NCDC) cho thấy, 101 trường hợp tử vong do sốt Lassa được thống kê ở 19 khu vực, bao gồm cả thủ đô Abuja, sau khi chính phủ Nigeria công bố sự bùng phát của dịch bệnh này hồi tháng trước.