Giọt đầu tiên của cơn mưa
Ngày 18/3/2015, 20 người, trong đó có 17 du khách nước ngoài, thiệt mạng khi một số tay súng tấn công, bắt giữ con tin tại Bảo tàng Quốc gia Bardo ở thủ đô Tunis của Tunisia. IS nhận trách nhiệm về cuộc tấn công, và gọi đây là “giọt đầu tiên của cơn mưa”.
Ngày 26/6/2015, một kẻ đánh bom tự sát kích hoạt thuốc nổ trong ngôi đền Hồi giáo Imam al-Sadeq ở phía đông thủ đô của Kuwait, làm 27 người chết, 227 người bị thương. Cùng ngày, một tay súng tấn công khách sạn Riu Imperial Marhaba ở Tunisia, khiến 39 người chết, 36 người bị thương.
Ngày 17/7/2015, một chiếc xe chứa 3 tấn thuốc nổ phát nổ tại khu chợ sầm uất ở miền đông Iraq, khiến 120 người thiệt mạng. Sáng 10/10/2015, Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu các vụ tấn công khủng bố lớn nhất lịch sử nước này, với 95 người chết, 246 người bị thương.
Ngày 31/10/2015, máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Nga Kogalymavia chở 224 người bị rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập. Tối 13/11/2015, những kẻ khủng bố tấn công nhiều địa điểm tại thủ đô Paris của Pháp, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng. IS tuyên bố nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công trên.
Ngày 2/12/2015, một cặp vợ chồng quốc tịch Mỹ được xác định có liên quan IS xả súng vào trung tâm người khuyết tật ở bang California của Mỹ, khiến 14 người thiệt mạng, 21 người bị thương. Tình báo Mỹ đang điều tra thủ phạm trở thành phần tử cực đoan và thề trung thành với IS như thế nào, và IS có kích động vụ tấn công hay không. Nếu đúng thì đây là vụ tấn công đầu tiên của IS tại Mỹ và là vụ khủng bố lớn nhất xảy ra trên đất Mỹ kể từ sau sự kiện 11/9.
Tham vọng về "Vương quốc Hồi giáo"
Theo nhiều tài liệu, IS ở Trung Ðông có nguồn gốc từ chiến tranh Iraq năm 2003. Sau khi Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ, cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni mất quyền lực và đi đầu chống sự hiện diện của Mỹ.
Phương Tây gia tăng không kích các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria, nhưng lực lượng khủng bố này vẫn sống dai. Ảnh: Getty Images
Tháng 10/2004, Abu Musab al-Zaqawi, một lãnh đạo phe nổi dậy, người tuyên thệ trung thành với Osama bin Laden, thành lập tổ chức Thánh chiến Hồi giáo miền Lưỡng Hà. Tháng 6/2006, al-Zarqawi bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Mỹ. Tháng 10/2006, sau khi sáp nhập thêm các nhóm khác, tổ chức này xưng là ISI (Nhà nước Hồi giáo Iraq). ISI ra tuyên cáo nguyện giải phóng người Hồi giáo Sunni Iraq khỏi “sự áp bức của Hồi giáo Shiite và ngoại bang” và tìm cách giảm lệ thuộc vào al-Qaeda.
Tháng 4/2013, ISI đổi thành ISIL (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Ðông), thế giới quen gọi với cái tên IS. IS tuyên bố đặt thủ đô ở Raqqa, Syria. Chỉ trong thời gian ngắn, IS thiết lập Caliphate (vương quốc Hồi giáo) với một “nhà nước” vắt qua hai quốc gia Iraq và Syria. IS cũng nhận được sự hưởng ứng từ nhiều phần tử cực đoan trên toàn cầu.
Tổ chức khủng bố giàu nhất hành tinh
Báo cáo được Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Cohen công bố tháng 12/2015 cho thấy, IS làm giàu bằng kinh doanh như tập đoàn đa quốc gia. Nếu như lợi nhuận mỗi tháng của IS năm 2008 là 1 triệu USD, thì nay là 3 triệu USD/ngày.
Dầu mỏ là nguồn tài chính quan trọng nhất của IS. Nhờ chiếm nhiều mỏ dầu tại Iraq và Syria, nên mỗi ngày IS khai thác, tiêu thụ ít nhất 50.000- 60.000 thùng dầu thô. Chỉ cần bán với giá 25 USD/thùng, mỗi ngày IS cũng thu từ 1,25 triệu USD đến 1,5 triệu USD. Ước tính, năm 2015, IS bán số lượng dầu thô trị giá gần 1 tỷ USD trên thị trường đen.
Liên Hợp Quốc cho biết, IS còn thu được khoảng 50 triệu USD mỗi năm thông qua bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc. Cơ quan kiểm soát tài chính có trụ sở tại Paris phát hiện IS đang chiếm lĩnh thị trường đen cổ vật. Khoảng 4.500 cổ vật có giá trị nằm trong tay IS, phần lớn lấy từ các bảo tàng Syria, Iraq. Nguồn tài chính quan trọng nữa xuất phát từ vùng Vịnh. IS được ủng hộ từ khi còn trong nôi của nhiều tổ chức tôn giáo và cá nhân ở Qatar, Kuwait…
Giới trẻ phương Tây nối giáo cho giặc
Bà Chloe Combi là giáo viên, nhà báo đồng thời là cố vấn về những vấn đề của giới trẻ cho thị trưởng thành phố London (Anh). Trong cuốn sách “Thế hệ Z: Tiếng nói, cuộc sống”, bà phỏng vấn hàng trăm thanh-thiếu niên sinh ra trong giai đoạn 1994-2005. Với họ, Harry Potter chiến đấu chống lại Voldemort cũng giống như tín đồ Hồi giáo Mỹ trẻ tuổi thực hiện “chết vì vinh dự”, bởi họ tin tưởng đó là việc có thể thay đổi thế giới.
IS phô phang sức mạnh ở thành phố Raqqa, Syria. Ảnh: AP
Mohammed, 16 tuổi, người Mỹ gốc Trung Ðông, là một ví dụ. Mohammed đang cân nhắc sang Iraq để tham gia IS với khát vọng cống hiến bản thân và thể hiện lòng trung thành “theo ý nguyện của thánh Allah”. Những người ủng hộ Mohammed hứa hẹn sẽ có “rất nhiều tiền, súng và những cô gái xinh đẹp”. Khi đề cập nguy hiểm tiềm ẩn, Mohammed cho rằng, gia nhập rồi, nếu không thích, cậu có thể về nhà.
Nhiều người Hồi giáo từ Mỹ và châu Âu khi gia nhập IS nói rằng, không phải do sùng tín đạo Hồi, mà họ muốn có được sự đồng nhất trong xã hội. Ở Mỹ và châu Âu, họ bị khủng hoảng niềm tin vào cuộc sống trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao. Họ bất mãn trước sự phân biệt đối xử và nghi kỵ đối với người Hồi giáo. Trong khi đó, những hứa hẹn vinh quang, trật tự trong một nhà nước Hồi giáo lý tưởng của IS lại có vẻ hấp dẫn.
Vậy nên, không ngạc nhiên khi Mohammed, cũng như hàng ngàn thanh niên Mỹ đã, đang rời bỏ gia đình, công việc, bạn bè và xã hội văn minh, tìm đường sang Trung Ðông, sẵn sàng đối diện bom rơi, đạn lạc.
Cuộc chiến dài lâu
Tháng 8/2014, Mỹ dẫn đầu liên quân bắt đầu không kích IS ở Syria. Một tháng sau, chiến dịch lan sang Syria. Cuối tháng 9/2015, theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashal al-Assad, Nga khởi động chống IS ở Syria.
Ðã có hàng ngàn đợt xuất kích của máy bay Nga và phương Tây, tập kích hàng loạt mục tiêu IS ở Iraq và Syria, nhưng càng không kích, IS càng nguy hiểm. Chưa khi nào, người dân Mỹ và châu Âu cảm thấy dễ tổn thương do khủng bố như thời điểm này, cho dù những phân tích chỉ ra rằng, IS sớm suy yếu.
Nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, đặt câu hỏi: “Ðiều gì sẽ xảy ra sau đó? Các chiến binh IS sẽ về nhà? Không, tất nhiên, không phải tất cả”. Ông Assange cảnh báo những mối đe dọa đối với các nước tham gia chống IS, vì “mỗi chiến binh đều có khát vọng dân tộc của họ”. Không quá lời khi nói rằng, hàng trăm ngàn thanh niên gốc Trung Ðông, dù sinh ra và lớn lên ở châu Âu, nhưng “trái tim thuộc về IS”.
Trong bất cứ viễn cảnh nào, IS lớn mạnh, bị tiêu diệt hay chỉ còn ngoi ngóp thở, có một thực tế rằng, hệ tư tưởng cực đoan của IS đã, đang và sẽ tồn tại ở những “mảnh đất lành” nuôi dưỡng nó, từ châu Âu đến nước Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan cũng vì thế mà còn lâu dài và gian khó.