“Sẽ có thêm nhiều vũ khí được chuyển tới, nhưng chỉ khi họ cho thấy khả năng sử dụng hiệu quả trong cuộc chiến chống IS. Nếu có kết quả, các gói viện trợ sẽ ngày một lớn và (quân nổi dậy) cũng sẽ nhận được sự trợ giúp từ các đợt không kích do máy bay Mỹ thực hiện… Chúng tôi luôn để ngỏ cánh cửa đối với các giải pháp, trong đó việc cấp vũ khí. Nếu họ thất bại, nếu vũ khí đi sai địa chỉ nguồn cung sẽ bị cắt đứt”, hãng AFP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Động thái này xuất hiện sau khi Lầu Năm góc hồi tuần trước thông báo ngừng chương trình huấn luyện “quân nổi dậy ôn hòa” ở Syria trị giá 500 triệu USD và chuyển trọng tâm sang cung cấp vũ khí cho lực lượng “thực sự” chống IS.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp Hội đồng lãnh đạo nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, chiến dịch quân sự của Liên bang Nga ở Syria có khung thời gian và đó là thời gian quân đội Syria tiến hành cuộc tấn công chống lại những kẻ khủng bố. Tổng thống Putin lưu ý rằng chiến dịch của lực lượng vũ trang Liên bang Nga hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, hoàn toàn hợp pháp, vì nó được thực hiện trên cơ sở đề nghị chính thức của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/10 cho biết, tất cả máy bay của nước này tham gia chiến dịch không kích các mục tiêu của nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria đã an toàn trở về căn cứ và các máy bay không người lái vẫn hoạt động bình thường. Tuyên bố này được đưa ra sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã bắn hạ một “vật thể bay” không rõ nguồn gốc vi phạm không phận nước này tại khu vực giáp biên giới Syria.
Ngày 16/10, trung tâm báo chí thuộc chiến dịch quân sự của Kiev cho biết, quân đội Ukraine đã rút 12 khẩu pháo cỡ nòng dưới 100 mm khỏi đường giới tuyến ở vùng Donbass, miền Đông nước này trong 24 giờ qua. Thông báo của bộ phận báo chí này có đoạn: “Các nỗ lực đang tiếp tục được thực hiện nhằm rút vũ khí theo quy định của thỏa thuận Minsk. Hôm qua, 12 khẩu pháo cỡ nòng 100 mm đã được rút khỏi tiền tuyến về sâu trong khu vực hậu phương hơn 15 km. Hoạt động rút vũ khí sẽ tiếp tục trong hôm nay”.
Các tay súng tình nghi thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda ngày 16/10 đã tấn công một tổ hợp tình báo quân sự ở thành phố cảng Hodyada, miền Tây Yemen, làm 10 binh sỹ thiệt mạng. Một sỹ quan cảnh sát giấu tên nói: "Những kẻ tấn công khủng bố al-Qaeda đã đột kích các cơ sở tình báo quân sự, vài phút sau khi một chiếc xe gài bom phát nổ bên trong tổ hợp ở Hodyada, làm 10 binh sỹ thiệt mạng tại chỗ. Vụ đánh bom đã làm hư hại nghiêm trọng tòa nhà trụ sở tình báo và thiêu rụi hai xe khác."
Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi nhà chức trách Serbia áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Theo nguồn tin, các biện pháp trừng phạt Nga trở thành điều kiện chứng tỏ sự tiến triển trong cuộc đàm phán để Serbia gia nhập EU. Chính phủ Serbia đã nhiều lần từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt Nga. Vì điều này mà Serbia chưa được nhận vào EU mặc dù là ứng cử viên khu vực đồng euro từ năm 2012.
Cục tình báo liên bang Đức đã do thám các mục tiêu tại Mỹ và châu Âu cho đến mùa thu năm 2013. Tuy nhiên, đây vốn không phải là nhiệm vụ mà Chính phủ liên bang Đức giao phó cho Cơ quan tình báo liên bang Đức. Tuyên bố này đặc biệt nhạy cảm bởi vì Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng tuyên bố rằng, do thám những người bạn là điều sai lầm, sau thông tin điện thoại của bà bị tình báo Mỹ nghe lén vào cuối năm 2013. Các nghị sĩ đối lập tại Đức cũng đang kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện về những cáo buộc này.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thông báo nước này sẽ đóng cửa biên giới với Croatia từ nửa đêm ngày 16/10 (tức 5 giờ sáng ngày 17/10 giờ Hà Nội). Ngoại trưởng Peter Szijjarto nhấn mạnh Nội các An ninh Hungary đã quyết định nước này phải thực hiện các cam kết theo Hiệp ước Khu vực tự do đi lại Schengen trên biên giới Hungary – Croatia. Theo đó, Hungary sẽ đóng cửa biên giới với Croatia - một nước được coi là cửa ngõ vào EU đối với hàng chục nghìn người di cư nước ngoài muốn tới Bắc Âu. Ông cho biết Hungary đã thông báo với Croatia, Slovenia, Ba Lan, Slovakia, Áo và Đức về quyết định mới này.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu đã lên án đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về hỗ trợ tài chính cho nước này nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng di cư là không thể chấp nhận được, đồng thời cho rằng kế hoạch hành động được các nhà lãnh đạo EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí ở Brussels hôm 15/10 chỉ là bản dự thảo chứ không phải là bản cuối cùng. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Sinirlioglu nói: "EU đã đề xuất một gói hỗ trợ tài chính và chúng tôi nói với họ rằng đề xuất đó là không thể chấp nhận được."
Ngày 16/10, lãnh đạo các tập đoàn doanh nghiệp Trung Quốc và Indonesia đã ký thỏa thuận thành lập liên doanh xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại "đất nước vạn đảo". Dự án trên là một phần quan trọng trong kế hoạch của Tổng thống Joko Widodo nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của Indonesia và thu hút đầu tư nước ngoài.