Cần có cơ chế hợp tác để hiện thực hóa cam kết Trung Quốc-ASEAN

Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh: TTXVN
Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh: TTXVN
TP - Nhận lời mời của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, đã tham dự cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Diễn đàn Hương Sơn diễn ra từ ngày 14 đến 18/10 tại Bắc Kinh.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.


Xin Bộ trưởng cho biết mục đích và ý nghĩa của cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Bắc Kinh lần này?

Đây là cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN. Trung Quốc muốn thể hiện là một đối tác chiến lược của ASEAN, triển khai trên thực tế các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng để giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa ASEAN và Trung Quốc. Trung Quốc cũng muốn thể hiện vai trò, trách nhiệm của nước lớn trong việc duy trì hòa bình ở khu vực, tìm kiếm các giải pháp để cùng nhau hợp tác về quốc phòng. Cuộc gặp lần này có ý nghĩa quan trọng vì mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành năm cuộc gặp nhưng đều diễn ra ở các  nước ASEAN và đây là lần đầu tiên cuộc gặp được tổ chức tại Bắc Kinh. Tại cuộc gặp, các Bộ trưởng Quốc phòng không chỉ đưa ra những ý tưởng, quan điểm, chủ trương, mà còn bàn biện pháp để hành động hợp tác trên thực tế giữa ASEAN và Trung Quốc.

Xin Bộ trưởng cho biết những nội dung chính của cuộc gặp lần này? Tại cuộc gặp, Trung Quốc đã đề xuất những nội dung hợp tác cụ thể nào và quan điểm của Việt Nam cũng như các thành viên ASEAN được bày tỏ ra sao?

Trung Quốc có đưa ra một số đề xuất. Thứ nhất, Trung Quốc thừa nhận trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, và đề xuất duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Thứ hai, Trung Quốc tôn trọng các nước ASEAN với tinh thần là vai trò trung tâm, chủ đạo trong các cơ chế hợp tác. Trong hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ tăng cường các cuộc diễn tập về tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, thảm họa và hỗ trợ nhân đạo, cùng các vấn đề an ninh phi truyền thống khác trên biển Đông. Trung Quốc đề xuất tăng cường tuần tra chung, các hoạt động phối hợp trong gìn giữ hòa bình, hợp tác quân y và các lĩnh vực khác với các nước ASEAN. Trung Quốc nhất trí tôn trọng tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên biển Đông. Trung Quốc cũng bàn với các nước ASEAN tìm kiếm cơ chế quản lý xung đột. Vấn đề nào trước mắt chưa giải quyết được thì phải có cơ chế quản lý để không xảy ra xung đột, trong tương lai lâu dài sẽ tìm các biện pháp
giải quyết.

Đặc biệt, trong cuộc gặp lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng nêu lại ý kiến của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rằng dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực. Điều đó thể hiện trách nhiệm của một nước lớn, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng ta hy vọng Trung Quốc sẽ “nói đi đôi với làm”. Đó sẽ là điều kiện thuận lợi cho ASEAN. Việt Nam cũng như hầu hết các nước ASEAN đã ghi nhận những đề xuất của Trung Quốc. Một khi những tuyên bố đó biến thành hiện thực, Trung Quốc sẽ phát huy vai trò của một nước lớn, đang phát triển hòa bình, có quan hệ hữu nghị với các nước và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Những vấn đề còn khác biệt giữa ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, đã được các bên đề cập như thế nào? Quan điểm và thái độ của các nước ra sao?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói rằng trên thực tế Trung Quốc vẫn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển với một số nước ASEAN. Trung Quốc cũng thống nhất phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), tôn trọng tự do an ninh an toàn hàng hải và hàng không, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiếp tục tích cực tham vấn để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Về phía Việt Nam, chúng ta cũng phát biểu khẳng định việc các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm hoàn thành COC, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, những kết quả đạt được tại các cuộc gặp không chính thức và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 3 sắp tới tại Malaysia sẽ được triển khai như thế nào?

Hội nghị ADMM+ lần thứ 3 sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur vào tháng 11 tới. Các cơ quan cấp tham vấn sẽ trao đổi với nhau, sau đó sẽ có những đề xuất lên Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng để có cơ chế hợp tác với Trung Quốc cũng như các nước đối tác, đối thoại khác của ASEAN. Cơ chế này là cơ chế mở và luôn luôn có trao đổi, bàn bạc để đi đến thống nhất, đồng thuận để giải quyết những vấn đề giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại. Tuy hợp tác quốc phòng được triển khai muộn hơn so với các lĩnh vực khác nhưng việc các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ngồi lại với nhau để trao đổi, tăng cường xây dựng lòng tin là điều hết sức cần thiết.

Thứ hai, qua trao đổi có thể thấy rằng việc giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông và trong khu vực là nguyện vọng chung của các nước ASEAN cũng như các nước đối tác, đối thoại. Lãnh đạo các nước cũng tuyên bố như vậy, các Bộ trưởng Quốc phòng cũng tuyên bố như vậy. Điều quan trọng là chúng ta phải từng bước có những cơ chế hợp tác để hiện thực hóa những tuyên bố đó, không chỉ dừng lại ở lời nói mà cả hành động trên
thực tế.

Thứ ba, các cuộc gặp và hội nghị đã góp phần tăng cường các hoạt động trên thực tế. Đã có những cuộc diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa giữa các nước ASEAN với nhau và giữa các nước ASEAN với các nước đối thoại, như cuộc diễn tập ở Brunei, Indonesia và Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam đã tổ chức diễn tập chung ARDEX tại Sơn Tây. Trên thực tế, Việt Nam đã cứu được nhiều ngư dân nước bạn bị nạn trên biển cũng như bắt một số cướp biển, được các nước ASEAN đánh giá cao.

Thứ tư, các Bộ trưởng đã thống nhất phải xây dựng COC để đi đến quản lý các xung đột và đã từng bước thiết lập những đường dây liên lạc trực tiếp. Ví dụ như Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập đường dây nóng trực tiếp giữa Bộ trưởng hai nước. Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sảnh biển Trung Quốc đã thực hiện tuần tra chung ở Vịnh Bắc bộ. Hải quân Việt Nam cũng đã tiến hành tuần tra chung với Hải quân Thái Lan, Hải quân Campuchia. Dự kiến, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm các cuộc tuần tra chung với một số nước khác trong ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng có những cuộc giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới. Năm 2016, hai nước dự kiến tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ 3 tại Lạng Sơn. Có thể thấy, những ý tưởng, chủ trương được trao đổi tại các cuộc gặp, hội nghị đã từng bước trở thành hành động trong thực tế cuộc sống. Vì thế, tôi cho rằng việc hợp tác này mang lại hiệu quả thiết thực.  

MỚI - NÓNG