"Chúng tôi sẽ làm việc đó vào thời gian và địa điểm mà chúng tôi lựa chọn. Mỹ sẽ bay, hành hải và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép như chúng tôi vẫn làm trên khắp thế giới và Biển Đông sẽ không phải là một ngoại lệ”, tờ South China Morning Post ngày 14/10 dẫn lời ông Carter tuyên bố trong cuộc họp báo chung.
Ông Carter đã phát biểu như trên trong cuộc đối thoại an ninh hai ngày giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ và Úc tại Boston. Mỹ và Úc cũng đã nhất trí mở rộng và tăng cường hợp tác quốc phòng ở Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về hiện trạng Bắc Kinh ồ ạt bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Cuộc gặp Mỹ-Úc ở Boston nằm trong khuôn khổ đối thoại thường kỳ giữa hai đồng minh. Phía chủ nhà gồm Bộ trưởng Quốc phòng Carter, Ngoại trưởng John Kerry, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne. Trong thông cáo chung, hai nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về thực trạng gần đây Trung Quốc bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông. Đồng thời kêu gọi tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền ngừng bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa khu vực.
Bà Bishop hoan nghênh tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng trước rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ngoại trưởng Úc cho biết, hy vọng Bắc Kinh sẽ thực hiện đúng cam kết.
Một số chuyên gia phân tích ở Washington tin rằng, quyết định điều tàu tiến sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ diễn ra trong tuần này hoặc tuần tới. Mỹ tuyên bố, theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi đá và rạn san hô không được xem là đảo để đòi hỏi chủ quyền.
Theo SCMP, sự kiện Trung Quốc vừa khánh thành hai trạm hải đăng tại quần đảo Trường Sa càng khiến tình hình thêm căng thẳng. Việt Nam ngày 13/10 đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng phản ứng trước việc Trung Quốc khánh thành 2 ngọn hải đăng tại đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Bình nêu rõ, việc Trung Quốc xây dựng 2 ngọn hải đăng tại đá Châu Viên và Gạc Ma là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, làm tình hình thêm căng thẳng, phức tạp. Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động này của phía Trung Quốc.
Ứng viên tổng thống Mỹ: Sẽ bay trên các đảo nhân tạo không cần cảnh báo
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Jeb Bush ngày 13/10 đã bày tỏ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên căng thẳng do những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như các vụ tấn công mạng nhằm vào doanh nghiệp Mỹ mà chính quyền Mỹ cáo buộc đó là các tin tặc Trung Quốc.
Ông Bush nói nếu trở thành tổng thống, sẽ thường xuyên điều quân Mỹ tiến qua các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền một cách phi lý. “Tôi sẽ bay trên đầu họ mà không cảnh báo trước, Hải quân của chúng ta sẽ tiến qua đó. Đấy là vùng biển quốc tế”, ông Bush quả quyết.
Dưới thời Tổng thống Obama, Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều chiến hạm tiến sát các đảo nhân tạo Trung Quốc ồ ạt xây dựng trái phép ở Biển Đông để tỏ thái độ không thừa nhận việc Trung Quốc xây dựng đảo trái phép tại khu vực này.
Về các vụ tấn công mạng, ông Bush cho rằng Mỹ nên tạo ra một cơ chế ngăn chặn hiệu quả bằng việc cho thấy khả năng đáp trả Trung Quốc. “Chúng ta cần thể hiện những khả năng tấn công chúng ta có, tôi nghĩ điều đó quan trọng. Chúng ta cần duy trì đối thoại với Trung Quốc để đảm bảo rằng họ hiểu rằng điều đó là không thể chấp nhận được”, ông Bush tuyên bố.
Theo tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS, trụ ở tại Washington, Mỹ) ngày 13/10, thẩm phán Antonio Carpio, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, cho biết Trung Quốc đang gần như thực thi ADIZ ở Biển Đông. Hiện bất kỳ máy bay Philippines nào bay qua quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông đều nhận được lời cảnh báo từ Trung Quốc thông qua điện đàm yêu cầu “tránh xa khu vực này”, ông Carpio cho biết. Những hành động của Trung Quốc trong những năm gần đây, từ quấy rối tàu cá các nước láng giềng cho đến xây đảo nhân tạo phi pháp, cho thấy Bắc Kinh muốn chiếm hết ngư trường, dầu mỏ, khí đốt, tài nguyên trong tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông, ông Carpio cho hay. “Kế hoạch lớn của Trung Quốc là kiểm soát toàn bộ Biển Đông cả về kinh tế lẫn quân sự”, ông Carpio nhận định.