Theo trang NBC News, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev cho biết chuyến hàng đầu tiên của Mỹ thuộc nhóm “viện trợ gây chết người” cho Ukraine đã hạ cánh xuống thủ đô nước này vào ngày 21/1, chưa đầy 24 giờ sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Chuyến hàng “thể hiện cam kết của Mỹ trong việc giúp Ukraine củng cố khả năng phòng thủ của mình”, Đại sứ quán Mỹ cho biết trong một dòng tweet trên trang Twitter chính thức. Chuyến hàng bao gồm "gần 200.000 pound (trên 90 tấn) hàng viện trợ gây chết người, bao gồm cả đạn dược cho các đơn vị phòng thủ tiền tuyến của Ukraine".
Phó Đô đốc Kay-Achim Schoenbach của Hải Quân Mỹ đã từ chức sau khi gây ra sự cố ngoại giao với Ukraine do "quan điểm cá nhân" của ông về vấn đề Crimea. Trước đó, phát biểu tại một sự kiện do một tổ chức tư vấn của Ấn Độ tổ chức ở New Delhi hôm 21/1, vị Phó đô đốc Đức bác bỏ quan điểm "vô nghĩa" rằng Nga "quan tâm đến việc có một dải đất nhỏ bé của Ukraine và sáp nhập nó vào đất nước của họ". Ông Schoenbach tiếp tục tuyên bố rằng điều Tổng thống Putin muốn là phương Tây “tôn trọng” Nga, đồng thời nói thêm rằng “thật dễ dàng để dành cho ông ấy sự tôn trọng mà ông thực sự yêu cầu, và có lẽ cũng xứng đáng”.
Lo ngại xung đột lớn sau những căng thẳng gần đây giữa Nga với Ukraine và các đồng minh phương Tây, nhiều người ở Ukraine vội vã rút tiền khỏi ngân hàng, tích trữ nhu yếu phẩm. Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 19/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng trấn an người dân: không cần phải đổ xô đến các ngân hàng rút tiền, không cần tích trữ lương thực. Ông nói, cuộc chiến ở Ukraine thực tế đã bắt đầu từ năm 2014 khi xung đột ở miền Đông bùng phát và không có dấu hiệu gia tăng trong tương lai gần..
Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine sơ tán nhân viên. Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine đã yêu cầu sơ tán tất cả nhân viên không thiết yếu trong bối cảnh gia tăng lo ngại về nguy cơ bùng phát chiến tranh ở nước này. Một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine cho biết Kiev đã được Washington thông báo hoạt động này có thể sẽ bắt đầu “sớm nhất là vào tuần tới”.
Nhà chức trách Trung Quốc thông báo nước này đã trừng phạt 627.000 quan chức trong năm 2021, con số lớn nhất kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012. Trong năm 2021, Trung Quốc trừng phạt 627.000 quan chức vì "vi phạm kỷ luật của đảng và pháp luật của nhà nước". Các quan chức cấp thấp nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm phần lớn con số trên.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 2,4 triệu ca nhiễm mới và 5.508 ca tử vong, đưa tổng ca bệnh vượt 349 triệu và trên 5,56 triệu ca tử vong. Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 71.682.090 người, trong đó có 888.531 ca tử vong.
Cuba tiêm vắc xin cho toàn bộ trẻ em trên 2 tuổi. Ngày 21/1, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết tất cả trẻ em trên 2 tuổi ở đảo quốc vùng Caribe này đều đã được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, đồng thời đánh giá chiến dịch tiêm chủng quốc gia đã đạt được “kết quả xuất sắc”.
Campuchia cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron điều trị tại nhà. Hãng thông tấn quốc gia Campuchia dẫn lời Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tối 21/1 cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron từ nay được phép điều trị tại nhà. Người nước ngoài nhiễm biến thể Omicron có thể xin điều trị tại khách sạn, sứ quán hoặc tại địa điểm do họ lựa chọn mà không bắt buộc phải nhập viện như trước.
Cáp Nhĩ Tân xét nghiệm COVID-19 cả thành phố trước kỳ nghỉ Tết. Thành phố Cáp Nhĩ Tân ở đông bắc Trung Quốc sẽ làm xét nghiệm COVID-19 cho khoảng 10 triệu dân từ thứ Hai tới, dù gần đây thành phố này không phát hiện ca nhiễm virus nào. Theo hãng tin Reuters, hành động này là nhằm đề phòng trước thềm kỳ nghỉ Tết kéo dài cả tuần. Chính quyền Cáp Nhĩ Tân cho biết: “Nhiều thành phố gần đây phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron vì thế việc phòng ngừa và kiểm soát phải rất nghiêm ngặt”.