Nhà hàng của những người mất trí nhớ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thay vì tập trung vào tính chuẩn xác, “Nhà hàng của những đơn hàng bị nhầm” sẽ nhấn mạnh nhiều hơn vào thực phẩm chất lượng cao và những tương tác tích cực.

Tại một nhà hàng ở Tokyo, một thông báo được gắn bên ngoài: “Tại nhà hàng này, không ai biết liệu bạn sẽ nhận được đúng món bạn đặt hay không”. Nơi này được đặt tên một cách khéo léo là “Nhà hàng của những đơn hàng bị nhầm”, và toàn bộ đội ngũ phục vụ ở đây đều mắc hội chứng mất trí nhớ.

“Chúng tôi muốn có một nơi mà mọi người đều nghĩ rằng: “Chà, nếu mắc sai lầm thì cũng không sao hết”, ông Shiro Oguni, người đứng sau dự án cho biết.

Nhà hàng của những người mất trí nhớ ảnh 1

Một nhân viên phục vụ bữa tối tại “Nhà hàng của những đơn hàng bị nhầm”

Khi ông Ognuni làm giám đốc cho NHK, một tổ chức tin tức của Nhật Bản, vào năm 2012, ông đã đưa tin về viện dưỡng lão của bà Yukio Wada. Bà Wada được biết đến như một “thành công” trong ngành chăm sóc bệnh sa sút trí tuệ.

“Lúc đầu, tôi hình dung chứng mất trí nhớ là một điều đáng sợ, một người lang thang không mục đích. Nhưng khi tôi đến thăm, đó là một nơi ấm cúng và khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Bà Wada tin rằng trước khi mất trí nhớ, ai cũng là người. Vì vậy, ngay cả khi họ bị sa sút trí tuệ, họ vẫn có thể nấu ăn, dọn dẹp và tự làm những gì họ có thể. Công việc của viện dưỡng lão phải là hỗ trợ khả năng tự sống cuộc đời của chính họ cho đến giây phút cuối cùng. Tôi được truyền cảm hứng bởi nơi đó”.

Ông Ognuni nhớ lại giờ ăn trưa vào ngày ông đi thực hiện bản tin đó. Ông ấy gọi một cái hamburger bít tết, nhưng thay vào đó lại nhận được một đĩa gyoza (bánh bao chiên). “Tôi đã rất ngạc nhiên và nghĩ rằng điều duy nhất đúng về đơn này là phần thịt xay. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng tôi là người duy nhất định chỉ ra điều đó”.

Không một người cao tuổi và nhân viên chăm sóc nào lên tiếng, và họ đều ăn món gyoza một cách ngon lành. “Nhìn thấy điều này, tôi rất xấu hổ. Tôi muốn chỉ ra một sai lầm. Nhưng nếu tất cả mọi người đều chấp nhận nó, thì nó sẽ không còn là một sai lầm nữa”, ông kể lại. “Tôi đã mở mang tầm mắt khi nhận ra điều đó”. Từ đó ông sớm nảy ra ý tưởng về “Nhà hàng của những đơn hàng bị nhầm”.

Năm năm sau đó, ông Ognuni bị mắc chứng bệnh về tim, và ông đã bỏ công việc căng thẳng làm giám đốc tin tức. Khi ông đang tìm kiếm những cách mới để truyền đạt thông tin, ông đã nhớ lại về viện dưỡng lão và liên lạc với bà Wada. Bà Wada rất sẵn lòng cộng tác, và dự án bắt đầu tiến hành. Họ đã phát triển dựa trên hai khái niệm chính là “tập trung vào chất lượng” và “chúng tôi không cố ý phạm sai lầm”.

Nhà hàng của những người mất trí nhớ ảnh 2

Ông Shiro Ogun, người tổ chức nhà hàng

“Chúng tôi muốn tạo ra một nơi mà khi khách hàng đến, họ nhận được đồ ăn ngon và không khí vui vẻ, và những người mắc chứng mất trí nhớ chỉ tình cờ làm việc ở đó”, ông Oguni nói. “Chúng tôi không muốn phụ thuộc vào những lời bào chữa như “Chúng tôi đang làm một điều tốt, vì vậy, ngay cả khi chúng tôi mắc lỗi, xin hãy tha thứ cho họ”.

Vào tháng 6/2017, họ đã tổ chức buổi khai trương kéo dài hai ngày, đặt tại một nhà hàng nhỏ với 12 chỗ ngồi. Nhân viên phục vụ là sáu người từ viện dưỡng lão của bà Wada và khách hàng chỉ giới hạn ở bạn bè và người quen của họ.

“Trong lúc đi nhận đơn, họ sẽ quên và nghĩ: “Tôi đến đây để làm gì nhỉ?”. Hoặc, họ sẽ mang đến một ly cà phê đá trong khi khách hàng gọi một ly Coca Cola. Có rất nhiều sai lầm vào ngày hôm đó, và nhiều tiếng cười. Nhưng các khách hàng đã cùng nhau trao đổi và giải quyết các vấn đề. Họ vui cười đón nhận tình huống này và nói những câu như “Ồ, có sai sót một chút cũng không sao”. Điều đó tạo một bầu không khí rất cởi mở”.

Ba tháng sau đó, họ đã mở lại nhà hàng trước ngày 21/9, Ngày Bệnh Alzheimer’s Thế giới. Một đội ngũ nhân viên phục vụ gồm 18 người đã chào đón 300 khách hàng trong ba ngày. Đó là một thành công lớn.

“Tôi thấy ông Misawa thực sự ấn tượng. Ông ấy đã từng làm việc trong một nhà hàng và bị bệnh Alzheimer ở độ tuổi 60”, ông Oguni nói. “Nhà hàng xoay vòng bốn ca, với mỗi ca kéo dài 90 phút. Nhưng trong 10 phút giải lao, cho dù không ai bảo, ông ấy đã quét dọn nhà hàng.

Để chào đón khách hàng đến với một nhà hàng sạch sẽ, thói quen công việc hẳn đã ăn sâu vào nếp sống của ông. Vợ ông, bà Yasuko Misawa, một nghệ sĩ piano, cũng tương tự. Bà chuyên biểu diễn trước khách hàng, nhưng có một số lần bà ấy không thể chơi tốt và bà run lên vì thất vọng. Tôi cảm động vì bà ấy vẫn coi mình là một người chuyên nghiệp”.

Shizu, một cựu nữ tiếp viên 90 tuổi của một quán ryotei (nhà hàng truyền thống của Nhật Bản), đã có một khách hàng hỏi bà: “Mẹ tôi cũng đã 90, nhưng bà không còn sức lực. Tôi muốn cho cô ấy thấy rằng tôi đã gặp một người sống động như vậy, vậy chúng ta có thể chụp ảnh chung được không?”

“Khi bà Shizu về nhà, bà ấy đã vui vẻ khoe cho gia đình về điều đó”, ông Oguni nói. “Tôi thực sự vui mừng vì những tương tác ấy đã giúp bà ấy tự tin hơn. Mọi người đều có thể làm việc ngay cả với chứng mất trí nhớ, nếu họ nhận được sự hỗ trợ. Tôi nghĩ đây là một bước tiến lớn”.

Và tất nhiên, tiền lương sẽ được trả cho thời gian làm việc phù hợp. “Cho dù họ cất nó đi tiết kiệm hay dùng nó để đi mua sắm, thì mỗi người đều trông thực sự hạnh phúc. Một điều hết sức bình thường như được trả công đã là một niềm vui lớn đối với họ”.

Mặc dù “Nhà hàng của những đơn hàng bị nhầm” đã gây được tiếng vang lớn, nhưng vẫn chưa có kế hoạch thành lập một nhà hàng được quản lý lâu dài. “Vai trò của chúng tôi, là trồng một bông hoa lớn và gửi hạt giống của nó đi thật xa và rộng. Sau đó, tôi nghĩ tốt nhất là những người lấy những hạt giống đó vận hành nó theo cách riêng của họ, trong khu vực của họ”.

Cho đến thời điểm này, ngoài 30 sự kiện được tổ chức tại Nhật Bản, nhà hàng với mô hình này đã mở ra nước ngoài ở những nơi như Trung Quốc, Hàn Quốc và Anh.

“Cuối cùng, tôi muốn xã hội của chúng ta trở thành một xã hội mà mọi người đều có tư duy cởi mở. Tôi muốn chúng ta không cần phải có những sự kiện này. Nhưng, chúng ta còn một chặng đường dài phía trước cho đến khi đạt được điểm đó. Cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ đóng vai trò là cầu nối”, ông Oguni nói.

Theo streetroots.org, ngày 6/9/2021
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.