Hai thanh niên đeo khẩu trang khi đi bộ ở London. Ảnh: Reuters |
Đến thời điểm hiện tại, Anh đã giải trình tự gien 426 trường hợp nhiễm dòng biến thể BA.2. UKHSA cho biết dù còn nhiều điều cần phải nghiên cứu, nhưng phân tích ban đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng của dòng BA.2 đã tăng lên so với dòng Omicron nguyên bản là BA.1.
Ít nhất 40 quốc gia đã phát hiện ca nhiễm dòng biến thể BA.2 và báo cáo trình tự gien lên cơ sở dữ liệu chung, trong đó nhiều nhất là ở Đan Mạch, Ấn Độ, Anh, Thuỵ Điển và Singapore.
Tại Đan Mạch, dòng BA.2 đang lây lan nhanh chóng. Trong tuần cuối cùng của năm 2021, số bệnh nhân nhiễm BA.2 chiếm khoảng 20% tổng số ca mắc COVID-19. Nhưng đến tuần thứ 2 của năm 2022, con số này đã tăng lên tới 45%.
Anders Fomsgaard, nhà nghiên cứu thuộc Viện Huyết thanh Quốc gia (SSI) cho biết ông vẫn chưa có lời giải thích chính xác về sự tăng trưởng nhanh chóng của dòng phụ này, nhưng ông không lo lắng.
“Có thể nó đã gia tăng khả năng chống lại hệ miễn dịch, điều này cho phép nó lây lan nhanh hơn. Chúng tôi vẫn chưa biết rõ”, ông Fomsgaard nói.
Đáng chú ý, chuyên gia này cho rằng người từng nhiễm dòng Omicron nguyên bản vẫn có nguy cơ nhiễm dòng BA.2 sau đó. “Khả năng đó có thể xảy ra. Trong trường hợp ấy, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta thậm chí có thể ghi nhận 2 lần lên đỉnh của làn sóng dịch này.”
Phân tích ban đầu của SSI cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về nguy cơ nhập viện của người nhiễm BA.2 so với BA.1.
Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, biến thể Omicron được chia thành 3 dòng là BA.1, BA.2 và BA.3. Trong đó, BA.1 là dòng phổ biến nhất. Còn BA.2 được gọi là dòng tàng hình, khó phát hiện hơn vì dòng này không có đột biến mất đoạn trong gien S, vốn là đặc điểm của virus Omicron nguyên bản.
Đặc điểm sinh học và khả năng lây truyền của BA.2 có thể khác với Omicron phiên bản gốc, vì dòng này có nhiều khác biệt về bộ gien. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận cuối cùng về tác động của BA.2, giới chuyên gia cần nghiên cứu sâu hơn và tiếp tục theo dõi trong thời gian dài.