THẾ GIỚI 24H: Ấn Độ tuyên bố cấm 118 ứng dụng của Trung Quốc

THẾ GIỚI 24H: Ấn Độ tuyên bố cấm 118 ứng dụng của Trung Quốc
TPO - Theo hãng tin AFP, ngày 2/9, Ấn Độ đã cấm 118 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có các dịch vụ do tập đoàn Tencent cung cấp.
Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ nêu rõ các ứng dụng bị cấm nói trên dẫn tới các hoạt động "gây tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh của nhà nước và trật tự công cộng". Một số ứng dụng Trung Quốc bị cấm bao gồm Baidu, Alipay, WeChat, PUBG,..Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại dãy Himalya trở nên căng thẳng.
Quân đội Mỹ ngày 31/8 thông báo sẽ bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật có sự tham gia của lực lượng pháo binh trên lãnh thổ Estonia, nơi cách biên giới Nga chưa đầy 120 km. Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga tổ chức tập trận hải quân tại biển Bering, gần Alaska. Theo đài Sputnik, cuộc trận trận mang tên gọi Rail Gunner Rush chính thức khởi động vào ngày 1/9 tại căn cứ Tapa (Estonia). Tham gia lần tập trận này có sự góp mặt của Lữ đoàn Pháo binh 41.

Ngày 2/9, giới chức cấp cao Afghanistan cho biết chính phủ nước này đã trả tự do cho gần 200 tù nhân Taliban nhằm thúc đẩy khởi động các cuộc đàm phán hòa bình bị hoãn lâu nay. Số tù nhân được phóng thích mới nhất này nằm trong nhóm 400 tù nhân Taliban phạm trọng tội mà trước đó Chính phủ Afghanistan từ chối phóng thích. Theo các quan chức, nhóm tù nhân này ở trại giam chính tại thủ đô Kabul, được phóng thích vào tối 31/8 và ngày 1/9, cùng lúc Taliban trả tự do cho 6 thành viên lực lượng đặc nhiệm Afghanistan.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 2/9 lên tiếng bày tỏ hoan nghênh sau khi các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với Nhóm P5+1 năm 2015, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thể hiện nhất trí lập trường duy trì thỏa thuận này và bác bỏ các nỗ lực của Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran. Các nước Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức - được gọi là nhóm "4+1," đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nói trên, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và đơn phương tái áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Iran.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản ngày 2/9 thông báo đã triển khai chiến dịch tìm kiếm sau khi một tàu hàng với thủy thủ đoàn gồm 43 người nước ngoài và chở khoảng 5.800 con gia súc mất tích khi di chuyển trên Biển Hoa Đông. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã nhận được tín hiệu báo nguy vào sáng sớm cùng ngày từ tàu Gulf Livestock 1 ở vùng biển cách đảo Amami-Oshima thuộc tỉnh Kagoshima khoảng 185 km về phía Tây.

Nguồn tin từ Mỹ cho biết Triều Tiên dường như đã bắt đầu diễn tập cho cuộc duyệt binh mà nước này dự kiến sẽ tổ chức vào tháng tới để kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng. Cụ thể, hình ảnh vệ tinh được chụp ngày 31/8 trên “sân bay Mirim” ở Bình Nhưỡng cho thấy “hàng trăm phương tiện đã tập trung trên các bãi đậu xe phía Tây Bắc, gần khu vực thường diễn ra các lễ duyệt binh”. Cùng lúc đó, hàng ngàn binh sĩ đã xếp hàng thành đội hình gần hoặc trong khu vực mô phỏng quảng trường Kim Nhật Thành, trang web 38 North cho biết.

Ngày 2/9, Hy Lạp thông báo đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại trại tị nạn lớn nhất nước này là Moria, trên đảo Lesbos, nơi gần 13.000 người nhập cư đang sống trong các điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Về lý thuyết, trại này chỉ chứa được chưa đến 2.800 người. Theo nguồn tin Bộ Nhập cư, bệnh nhân là một người đàn ông Somalia 40 tuổi, gần đây đã đến thủ đô Athens. Tại Moria, nhiều người nhập cư phải ngủ trong lều bạt dưới gốc cây bên ngoài trại. Chính vì vậy, việc thực thi các biện pháp chống dịch rất khó khăn.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã thông báo trên trang Twitter cá nhân hôm 1/9 về vụ bắt giữ của Mahmut Ozden, thủ lĩnh cấp cao của IS trong khu vực. Theo đó, ông Soylu cho biết Mahmut Ozden bị bắt khi đang "lên những kế hoạch quan trọng". Cụ thể, ông Soylu cho biết đối tượng đã liên tục tiếp nhận các lệnh hành động từ phiến quân IS ở Iraq và Syria. Ngoài ra, Ozden còn dẫn theo khoảng 10-12 người lên kế hoạch về một cuộc tấn công nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Những thông tin trên đã được cảnh sát thu nhập từ máy tính và thiết bị cá nhân của hắn.

Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn vừa khôi phục tước vị chính thức và quân hàm cho hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi.  Sineenat Wongvajirapakdi, 35 tuổi, bị tước danh hiệu hoàng quý phi hồi tháng 10 năm ngoái với lý do bà “vô ơn, bất trung” khi ganh đua với Hoàng hậu Suthida để giành thêm sự sủng ái của nhà vua, lật đổ hoàng hậu. Tuy nhiên, theo tuyên bố của hoàng cung ngày 2/9, bà Sineenat “không vấy bẩn” và vì thế được hưởng danh hiệu hoàng quý phi và tất cả các chức vụ trước đó trong hoàng cung. Việc tước bỏ các danh hiệu, vị trí trong hoàng cung và quân đội của bà không từng diễn ra, hoàng cung tuyên bố. Quyết định có hiệu lực ngày 28/8.
MỚI - NÓNG